Nhịp cầu Công lý

Tiền Hải, Thái Bình: Vì sao chủ đầm tôm Ramsar phản đối việc “chấm dứt hợp đồng”?

K. Nguyên 15/08/2023 - 06:42

Cho rằng một số cá nhân đã vi phạm Hợp đồng xây dựng vùng nuôi tôm điểm theo mô hình Ramsar (Công ước về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế), nên UBND xã Nam Phú (Tiền Hải, Thái Bình) đã ra Thông báo “đơn phương chấm dứt hợp đồng”. Tuy nhiên, đại diện bên nhận thầu cho rằng, lý do trên là không chính đáng...

Vùng nuôi tôm điểm theo mô hình Ramsar...

Thực hiện văn bản của UBND tỉnh Thái Bình và UBND huyện Tiền Hải về việc quản lý, khai thác vùng bãi Cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) để thực hiện chương trình môi sinh, môi trường theo công ước Ramsar, ngày 10/6/1991, UBND xã Nam Phú đã ký hợp đồng với bên B, gồm ông Đinh Quang Nghi (trú tại huyện Tiền Hải), ông Phạm Hoài Nam (trú tại Giao Thủy, Nam Định) và ông Trần Vinh Quang (trú tại huyện Kiến Xương, Thái Bình) để xây dựng vùng nuôi tôm điểm theo chương trình Ramsar với thời hạn 10 năm (đến tháng 7/2001).

con-vanh.jpg
Khu vực dự kiến thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng sân Golf Cồn Vành (ảnh: Thaibinhtv.vn)

Theo hợp đồng, bên B phải đầu tư để quai đắp 60ha vùng bãi ven biển để xây dựng vùng nuôi tôm điểm theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, tạo ra mô hình để vùng Cồn Vành được đưa vào chương trình đầu tư bảo vệ môi sinh môi trường của tổ chức quốc tế theo công ước Ramsar…Sau đó, ông Trần Vinh Quang không tham gia, nên chỉ còn ông Nam và ông Nghi tiếp tục thực hiện Hợp đồng.

Đến ngày 15/06/2002, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Tiền Hải và UBND tỉnh Thái Bình về việc triển khai ao tôm sinh thái trong vùng điểm Cồn Vành (Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải), UBND xã Nam Phú đã ký Hợp đồng kinh tế nhằm gia hạn hợp đồng đã ký năm 1991 để ông Đinh Quang Nghi và ông Phạm Hoài Nam tiếp tục sử dụng 60 ha tại Cồn Vành thực hiện mô hình nuôi thủy sản đến khi hoàn thành mô hình ao tôm sinh thái Lâm- Ngư kết hợp. Ông Nam, ông Nghi có trách nhiệm hoàn thiện mô hình trình tổ chức Ramsar công nhận vùng này vào chương trình đầu tư bảo vệ môi trường sinh thái của tổ chức quốc tế, theo công ước Ramsar như chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh Thái Bình.... Do đang thực hiện mô hình, nên bên B được miễn sản. Khi mô hình hoàn thành, có thu nhập ổn định mới phải đóng sản cho bên A.

Ngoài việc thừa nhận ông Nam, ông Nghi được sử dụng 60 ha đầm với “thời hạn lâu dài”, trong hợp đồng trên, UBND xã Nam Phú còn cam kết “khi Nhà nước thu hồi đất để phục vụ an ninh, quốc phòng, bên B được thanh lý 100% giá trị tài sản đã đầu tư theo dự toán, thiết kế ao tôm Ramsar Cồn Vành và các chi phí đầu tư bổ sung hàng năm cho ao tôm khi vận hành và duy trì của dự án”.

...Trở thành đất sân golf và biệt thự nghỉ dưỡng

Trải qua hơn 20 năm thực hiện hợp đồng nêu trên, đến tháng 3/2023, UBND huyện Tiền Hải đã có văn bản giao Thanh tra huyện tiến hành xác minh việc quản lý, sử dụng vùng nuôi tôm theo hợp đồng giữa UBND xã Nam Phú và ông Nam, ông Nghi.

Tiếp đó, ngày 3/8/2023, UBND xã Nam Phú ra Thông báo gửi ông Phạm Hoài Nam về việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng ký ngày 15/6/2002, với lý do bên B đã vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng.

Phản đối nhận định trên của UBND xã Nam Phú, ông Phạm Hoài Nam cho biết, sau khi ký kết các hợp đồng với UBND xã Nam Phú vào các năm 1991 và 2001, bên B đã thực hiện đầu tư, triển khai nuôi tôm sinh thái theo đúng hợp đồng, đúng mô hình Ramsar (lâm- ngư kết hợp), nên không có việc bên B vi phạm Hợp đồng. Bản thân bên B đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình của 06 ao tôm sinh thái trên diện tích 60 ha đầm. Các công trình này đã được nhiều cơ quan chuyên ngành đánh giá cao về công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, được tổ chức quốc tế về môi trường đưa vào khuôn khổ của dự án phát triển bền vững của Quỹ môi trường toàn cầu của Liên hợp quốc. Thậm chí, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo UBND huyện Tiền Hải nhân rộng mô hình này ra toàn khu vực Cồn Vành (trong phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tổn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải).

Được biết, khu đất nuôi trồng thủy sản nằm ngoài đê quốc gia của xã Nam Phú (trong đó có 60 ha đầm tại Cồn Vành) từng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải, nằm trong trong Khu dự trữ sinh quyển khu vực châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên, cùng với việc xác định lại vị trí, quy mô diện tích ranh giới rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển (Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh), thì UBND tỉnh Thái Bình đã triển khai quy hoạch để làm dự án sân golf, gồm cả khách sạn và biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng...tại khu vực này.

Trước thông tin này, ông Nam cho biết, nếu UBND huyện Tiền Hải thực hiện dự án sân golf và khách sạn thì cần làm các thủ tục để bồi thường công trình bên B đã đầu tư theo đúng quy định trong Hợp đồng ký năm 2002, chứ không thể dùng lý do “đơn phương chấm dứt hợp đồng” để từ chối bồi thường được. Trường hợp UBND xã Nam Phú không rút lại thông báo, ông sẽ khiếu nại và khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế để làm rõ tính phù hợp của dự án sân golf tại khu vực này và yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoặc yêu cầu bồi thường theo quy định.

K. Nguyên