Ngành giáo dục vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để tạo chuyển biến trong thực tế
Chiều 14/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề ‘’Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông’’.
Một số những bất cập, tồn tại
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh -Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục tổ chức thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Đoàn giám sát đánh giá, hệ thống sách giáo khoa phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên lựa chọn các bộ sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức của học sinh. Năm học 2020-2021, có 5 bộ sách sách giáo khoa lớp 1. Từ năm học 2021-2022 đến nay, có 3 bộ sách gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều…
Bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách giáo khoa, nhất là với sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.
Chất lượng một số SGK của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế. Một số sách giáo khoa có nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng. Một số nội dung chưa cụ thể nên học sinh khó hiểu, khó giải thích vấn đề; chưa phù hợp với một số vùng miền, có từ ngữ mang tính địa phương; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa được đánh giá cao.
Theo đoàn giám sát, ở một số địa phương, việc lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa còn thiếu sót so với quy định của Thông tư số 25. Việc lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa tạo ra khó khăn trong khâu đặt hàng, bảo đảm cung ứng sách giáo khoa trước năm học mới. Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận kiến thức.
Trong khi đó, cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Tình trạng thiếu sách giáo khoa diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trước thềm năm học mới. Phụ huynh, học sinh gặp nhiều phiền hà trong việc mua sách giáo khoa theo kênh phát hành tự do qua hệ thống cửa hàng bán lẻ.
Với giá sách giáo khoa theo Chương trình mới, Đoàn giám sát nêu, tăng 2-4 lần giá sách giáo khoa chương trình cũ. Giá sách cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách…
Ngành giáo dục đã vượt qua muôn vàn khó khăn…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục với hơn 1 triệu nhà giáo đã làm rất nhiều việc, rất thực chất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế.
Đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một cuộc đổi mới có chiều sâu toàn diện và triệt để nhất so với lần đổi mới trước đây; khác về tư tưởng chỉ đạo, nhằm phát triển toàn diện con người.
Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa đổi mới giáo dục là nỗ lực phi thường của hàng triệu giáo viên, học sinh, sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, 63 tỉnh thành phố; sự quan tâm của Quốc hội. Những nhận định, kiến nghị nêu trong báo cáo giám sát, ngành giáo dục sẽ nghiên cứu tiếp thu; đồng thời giải trình thêm trước Quốc hội và nhân dân; xử lý và triển khai ngay các công việc cần thiết.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng kiến nghị Đoàn giám sát nghiên cứu bỏ nội dung giao Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo một bộ sách giáo khoa trong dự thảo Nghị quyết về giám sát. Đồng thời, kiến nghị có Nghị quyết riêng về đổi mới giáo dục và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án về tăng cường điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đội ngũ giáo viên sống bằng nghề…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung thêm một số kết quả đã đạt được liên quan đến những cách làm sáng tạo của một số cơ sở giáo dục; việc phát huy hiệu quả mô hình thư viện sách giáo khoa... để ghi nhận đậm nét thêm về những gì đã đạt được.
Bên cạnh đó, bổ sung thêm đánh giá về nguyên nhân hạn chế liên quan đến quy trình tuyển dụng đối với nội dung về thừa, thiếu giáo viên cục bộ... để có những giải pháp, đổi mới, giải quyết tốt tình trạng này trong thời gian tới...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là chuyên đề giám sát hết sức quan trọng, được nhân dân và cử tri quan tâm.
Qua Báo cáo giám sát và ý kiến phát biểu cho thấy, Đoàn giám sát đã bám sát kế hoạch cũng như các quy định của pháp luật và làm việc nghiêm túc, kỹ lưỡng, trách nhiệm, khoa học và có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng kết quả giám sát.
Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, báo cáo giám sát đã cung cấp bức tranh tổng thể toàn diện và sâu sắc về tình hình đổi mới giáo dục phổ thông, có nhiều nội dung, giải pháp kiến nghị có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Đồng thời, thống nhất cao với việc đánh giá của Đoàn giám sát. Đó là việc Chính phủ tổ chức quán triệt, tổ chức triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 nhất quán và trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải làm nổi bật tình hình giáo dục phổ thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng và rất đáng ghi nhận.
Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên được bố trí tập huấn đầy đủ phục vụ chương trình mới.
Nhà nước cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và triển khai chương trình mới.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, báo cáo giám sát đã chỉ ra 12 văn bản chậm tiến độ. Công tác tuyên truyền, quán triệt, đổi mới chương trình chưa thực sự hiệu quả và còn có nội dung chưa tạo được sự đồng thuận xã hội.
Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa được tiến hành một cách thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát toàn diện, hiệu quả chưa cao.