Sai phạm của Báo Người cao tuổi: Bộ TT&TT đã thực hiện đúng trình tự thủ tục pháp luật

Đời sống - Ngày đăng : 19:15, 11/02/2015

Theo luật sư Trần Anh Dũng, khi phát hiện những sai phạm của Báo Người cao tuổi, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Hội Người cao tuổi xem xét cách chức Tổng biên tập đối với ông Kim Quốc Hoa là thực hiện đúng trình tự thủ tục mà pháp luật quy định.

Như Báo điện tử Công lý đã đưa tin, ngày 9/2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết luận thanh tra đột xuất tại Báo Người cao tuổi.

Theo kết luận thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quá trình hoạt động, báo Người cao tuổi đã để xảy ra nhiều vi phạm trong việc thực hiện các quy định pháp luật về báo chí và thông tin trên mạng.

Với những sai phạm nghiêm trọng, Bộ đã đề nghị Hội Người cao tuổi cách chức Tổng biên tập báo Người cao tuổi đối với ông Kim Quốc Hoa theo quy định tại Điều 12 Quy chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí và chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xem xét, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những bài viết có dấu hiệu tội phạm.

Trong đó có sai phạm về việc chấp hành quy định pháp luật về giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet:

Cụ thể, việc báo Người cao tuổi xuất bản một số tin, bài trực tiếp trên trang thông tin điện tử tổng hợp là hoạt động báo điện tử không có giấy phép, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Theo luật sư Trần Anh Dũng, Công ty luật Đại Phúc (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013  của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được hiểu là “trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang web thực hiện chức năng tổng hợp lại nguyên văn, chính xác các tin tức, bài viết… đã được đăng tải trên các nguồn tin chính thức (là những thông tin được đăng, phát trên báo chí Việt Nam hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định pháp luật về báo chí, sở hữu trí tuệ) chứ không được trực tiếp xuất bản tin, bài như một trang báo điện tử.

Sai phạm của Báo Người cao tuổi: Bộ TT&TT đã thực hiện đúng trình tự thủ tục pháp luật

Luật sư Trần Anh Dũng, Công ty luật Đại Phúc 

“Một trang tin điện tử tổng hợp muốn được tự mình thu thập, đăng tải, xuất bản tin, bài thì nhất thiết phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật báo chí và pháp luật có liên quan mới đúng quy định của pháp luật”. Luật sư Dũng nhấn mạnh.

Với những sai phạm liên quan đến hoạt động báo chí khi chưa có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp thì theo quy định tại Điều 5 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (Nghị định 159), báo Người cao tuổi có thể phải đối mặt với mức xử phạt vi phạm hành chính lên tới 100 triệu đồng. Còn hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo quy định tại điểm b, c, khoản 2, Điều 20 Nghị định 159 mức xử phạt cao nhất mà báo Người cao tuổi phải đối mặt là từ 20 triệu tới 40 triệu đồng. Ngoài ra, tờ báo còn bị buộc phải xin lỗi đương sự và đối mặt với hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề biên tập từ 01 đến 03 tháng;

Ngoài ra, theo kết luận thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo Người cao tuổi còn sai phạm về việc chấp hành quy định pháp luật về nội dung thông tin.

Cụ thể: Việc chấp hành quy định pháp luật về nội dung thông tin trên báo in.

- Đăng nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo và bình luận suy diễn thiếu căn cứ dẫn đến thông tin sai sự thật, vi phạm khoản 4, Điều 10, Luật Báo chí.

- Đăng một số bài viết có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của công dân, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

- Thông tin suy diễn, sai sự thật, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

- Đăng một số bài viết có dấu hiệu tiết lộ bí mật nhà nước, vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

- Đăng một số bài viết có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Luật sư Trần Anh Dũng phân tích với những vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 10, Luật Báo chí là “đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân” mức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm B, khoản 4, Điều 8, Nghị định Nghị định 159 mà báo Người cao tuổi phải đối mặt là từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Hành vi in, nhân bản trái phép tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 8, Điều 24 Nghị định 159 là từ 70 triệu đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 9, 10, Điều 24, tờ  báo này còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có); Buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm in và có thể bị đình chỉ hoạt động từ 9 đến 12 tháng.

Việc tờ báo này cho đăng tải một số bài viết có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Hành vi này không còn là vi phạm hành chính nữa mà có dấu hiệu phạm tội quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự. Do vậy, sự việc cần chuyển cho cơ quan chức năng điều tra làm rõ các dấu hiệu của tội phạm để có biện pháp xử lý đối với cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 159, các Biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí thì ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, e và i, khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này con quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi thẻ nhà báo; Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép của nhà báo, phóng viên; Buộc xin lỗi; Buộc đăng, phát đầy đủ nội dung văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Buộc thu hồi giấy phép, giấy xác nhận; Buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm in, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; Buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử vi phạm các quy định của pháp luật.

Khoản 3 Điều 12 Luật báo chí quy định cơ quan chủ quản báo chí có quyền “Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan báo chí trực thuộc sau khi trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí”.  

“Sau khi phát hiện những sai phạm của Báo Người cao tuổi, Bộ Thông tin và Truyền Thông đã đề nghị Hội Người cao tuổi xem xét cách chức Tổng biên tập đối với ông Kim Quốc Hoa là thực hiện đúng trình tự thủ tục mà pháp luật đã quy định. Tuy nhiên, đề nghị này có được Hội Người cao tuổi chấp thuận hay không còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ sai phạm của ông Kim Quốc Hoa trong việc quản lý, điều hành hoạt động của tờ báo cũng như Trang tin điện tử tổng hợp nguoicaotuoi.org.vn”- Luật sư Trần Anh Dũng.

Thọ Phúc