"Thả cá không thả túi xuống hồ"
Đời sống - Ngày đăng : 14:40, 11/02/2015
Theo quan niệm của người Việt, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, ngụ ý “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.
Những chiếc túi nylong được thầy cùng các bạn sinh viên gấp gọn gàng
Ngoài ra thả cá ngày Tết ông Công ông Táo cũng mang ý nghĩa phóng sinh, là một phong tục, nét đẹp văn hóa , cực kỳ ý nghĩ dịp Tết đến xuân về.
Tuy nhiên, nhiều người khi mang thả cá thường kèm theo việc ném túi ni lông đựng cá xuống hồ, điều này khiến cho mặt hồ, mặt sông trở nên nhếch nhác bởi lượng túi ni lông khá nhiều.
Để người dân có ý thức hơn khi thả cá, thầy Thích Tịnh Giác, trụ sứ tại Chùa Phúc Sơn, thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, bốn năm nay rồi cứ đến ngày ông Công ông Táo là lại thấy thầy đi quanh hồ Tây để khuyên mọi người không thả túi và chân hương xuống hồ.
Các bạn sinh viên theo thầy gom túi nylong rất hồ hởi với hoạt động này
Mọi năm chỉ có một mình thầy nhưng năm nay, đi theo thầy còn có một nhóm các bạn sinh viên, những bạn trẻ thấy việc làm ý nghĩa của thầy đã chung tay, góp sức, giúp người dân phần nào hiểu được việc bảo vệ môi trường.
Với tấm biển lớn luôn cầm trên tay ghi những dòng chữ: “Thả cá, xin đừng thả túi nilon”, thầy Thích Tịnh Giác cho biết: “Từ năm 2011, cứ đến dịp đưa ông Táo, 23 tháng Chạp hằng năm, thầy lại một mình đi bộ ra Hồ Tây, phía gần đường Thanh Niên để túc trực và thu dọn rác mà người dân vô ý để lại trên hồ. Năm nay, thầy đã có thêm các bạn trẻ sinh viên ở Hà Nội đồng hành cùng”.
Từ 8 giờ sáng, thầy Thích Tịnh Giác cùng các bạn trẻ đội mưa đứng ở khu vực Hồ Tây để “xin” những chiếc túi nilon của người dân sau khi thả cá, đồng thời thầy cũng tranh thủ giảng giải cho người dân đến đây nghe về ý thức bảo vệ môi trường.
Người dân rất ý thức chỉ thả cá không tha túi xuống hồ
Bê chậu tro giấy vàng mã, bà Nguyễn Thị Hải (Võng Thị - Tây Hồ, Hà Nội) dự định sẽ ra thả dưới hồ nhưng bà đã được thầy Thích Tịnh Giác ngăn lại, rồi giảng giải cho bà về đạo lý nhà Phật và khuyên bà chỉ cần bỏ một chút tro xuống để tượng trưng thôi, bà Hải hiểu ra chắp tay cảm tạ thầy rồi dùng tay nhón một chút tro thả xuống hồ.
Thầy nói rằng: “Phong tục phóng sinh ngày ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa của người Việt, nhưng để phong tục ấy đẹp và ý nghĩa hơn thì cần phải có ý thức bảo vệ môi trường, năm nay điều đáng mừng là người dân đã bắt đầu hưởng ứng phong trào không thả túi nylong, chân hương, tro giấy tiền xuống hồ nữa mà người dân khi đốt xong chỉ lấy một dúm nhỏ để thả xuống hồ mang ý nghĩa tượng trưng còn phần còn lại để ở gốc cây vừa sạch sẽ lại bón cho cây thêm xanh tốt”.
Người dân hưởng ứng trao túi nylong cho người gom
Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, cái rét càng thêm buốt giá hơn, nhưng thầy trò vẫn không ngơi tay gom rác với mong muốn người dân hãy quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, hễ có ai dùng bao nylon đựng cá rồi thả là thầy đều dặn dò: “năm sau nhớ dùng xô chậu để bảo vệ môi trường nhé”.
Người dân cũng hưởng ứng và ý thức hơn, nên sau khi thả cá họ lại xếp gọn túi nylon vào chỗ bạn sinh viên đang thu túi. Những du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh, quay lại những hành động đẹp mắt của thầy và người dân.
Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Mỗi người trong chúng ta hãy thật sự có ý thức khi thực hiện những phong tục cổ truyền để những phong tục này thực sự đẹp, ý nghĩa và mãi lưu truyền.
Xem video: Thầy Thích Tịnh Giác giảng giải để người dân không thả rác, tro xuống hồ