Văn hóa - Du lịch

Bảo tàng TP.HCM lưu giữ gần 400.000 tài liệu, hiện vật quý

Kim Sáng 11/08/2023 - 09:41

Bảo tàng TP.HCM đến nay đã sưu tầm, lưu giữ gần 400.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 82.945 hiện vật gốc, nghiên cứu và hình thành trên 113 bộ sưu tập hiện vật.

z4591843817681_60d92cd174c49b38109a15e554fa8e2e.jpg
Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Bảo tàng TP.HCM.

Bảo tàng TP.HCM, tiền thân là Nhà Bảo tàng Cách mạng TP.HCM, được thành lập theo quyết định ngày 12/8/1978 của UBND TP.HCM.

Năm 1999, bảo tàng chính thức mang tên Bảo tàng TP.HCM.

45 năm qua, Bảo tàng TP.HCM không ngừng phát triển về quy mô cũng như phạm vi hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ: Nghiên cứu và giáo dục khoa học, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua các hoạt động sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày, tuyên truyền giới thiệu những tài liệu, hiện vật, tư liệu, hình ảnh về lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng đất Sài Gòn – TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu đến công chúng về truyền thống cách mạng, lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất và hết sức hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

z4591843826600_f700572ecaca5caccd846ed89996ce9d.jpg
Các đại biểu tham quan tại Bảo tàng TP.HCM.

Song song với việc chỉnh lý, thay đổi nội dung trưng bày, bảo tàng tập trung đầu tư sưu tầm, đặc biệt là những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, minh chứng cho sự hình thành và phát triển của thành phố.

Từ vài ngàn hiện vật ban đầu, đến nay bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ gần 400.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 82.945 hiện vật gốc, nghiên cứu và hình thành trên 113 bộ sưu tập hiện vật, đặc biệt có 20 bộ sưu tập hiện vật quý được đánh giá cao về giá trị văn hóa lịch sử, khoa học, kinh tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thuý, 45 năm qua, Bảo tàng TP.HCM đã vượt qua khó khăn, từng bước trưởng thành và trở thành một trong những “địa chỉ đỏ”, một điểm đến ý nghĩa, nhân văn cho thế hệ trẻ tìm về, không chỉ với giá trị lịch sử và còn là những giá trị di sản văn hóa. 

z4591843819641_a45700d20fb4e431f05f7f1efd2cfe27.jpg
Các hiện vật trưng bày tại bảo tàng.

Thời gian tới, Bảo tàng TP.HCM tiếp tục đầu tư, đổi mới các mặt hoạt động, bổ sung trưng bày những vấn đề lịch sử, văn hóa liên quan đến vùng đất Nam Bộ, sự đổi mới và phát triển về kinh tế - xã hội gắn với đặc thù của TP.HCM cũng như những vấn đề của cuộc sống đương đại.

Cạnh đó, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ trong bảo tàng; tổ chức các chương trình giao lưu, sinh hoạt chuyên đề, biểu diễn nghệ thuật...

Đồng thời, tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc và phong cách phục vụ để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan và yêu cầu phát triển của bảo tàng.

Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập, Bảo tàng TP.HCM phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Bình Dương khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm Sài Gòn và vùng phụ cận. Nét đặc trưng văn hóa Nam Bộ".

Chuyên đề với 50 hình ảnh và gần 200 hiện vật đặc sắc giới thiệu đến công chúng về bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của bộ sưu tập gốm Sài Gòn và vùng phụ cận như: gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Pháp do Biệt động Sài Gòn đặt hàng…

Dịp này, bảo tàng đã tiếp nhận trên 1.000 hiện vật, tư liệu của các cán bộ lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu và các cá nhân khác trao tặng.

Chuyên đề mở cửa đón khách tại Bảo tàng TP.HCM (số 65 Lý Tự Trọng, quận 1) đến hết tháng 12/2023.

Kim Sáng