Xử lý tin báo về động vật hoang dã thấp nhất cả nước, kiểm lâm TP.HCM nói gì?
Dân số đông, mật độ giao thông dày đặc, một số tin phản ánh không đúng địa chỉ, nguồn tin cũ, việc bày bán tinh vi, có lực lượng cảnh giới… là những nguyên nhân dẫn đến công tác xử lý tin báo về động vật hoang dã của TP.HCM thấp nhất cả nước.
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 10/8, ông Nguyễn Trung Trực – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã thông tin về công tác xử lý tin báo liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn TP.HCM.
Ông Trực cho biết, năm 2022, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận 113 tin báo liên quan đến ĐVHD từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), qua đó đã tiến hành kiểm tra, xử lý 113 tin, tỷ lệ 100%; trong đó, số tin báo chính xác là 62, đạt tỷ lệ 54,9%.
Đồng thời, đơn vị thực hiện tiếp nhận, chuyển chăm sóc, cứu hộ 349 cá thể ĐVHD.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm đã tiếp nhận 203 cá thể ĐVHD để chăm sóc, cứu hộ thả về tự nhiên theo quy định.
Theo ông Trực, có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác xử lý tin báo liên quan đến ĐVHD của TP.HCM thấp nhất cả nước. Trong đó phải nói đến khó khăn trong công tác xử lý thông tin như dân số đông, mật độ giao thông dày đặc, địa bàn rộng nên phải mất nhiều thời gian cho việc tiếp cận xử lý thông tin, dẫn đến một số thông tin khi tiến hành kiểm tra không chính xác.
Mặt khác, qua xác minh, xử lý các thông tin, có một số tin phản ánh không đúng địa chỉ, nguồn tin cũ, cùng nội dung nhưng phản ánh nhiều lần.
Ngoài ra, các đối tượng bày bán trên các tụ điểm, tuyến đường giao thông hoạt động rất tinh vi, có lực lượng cảnh giới, khi phát hiện lực lượng chức năng, sẵn sàng chống đối, tẩu thoát, bỏ chạy gây mất an toàn giao thông.
Liên quan đến thực trạng ĐVHD tại TP.HCM hiện nay, ông Trực cho biết, nhiều năm trước, người dân nuôi ĐVHD làm cảnh, làm thú cưng không vì mục đích thương mại.
Thông qua công tác tuyên truyền thực hiện chương trình quản lý, phát triển cá sấu và ĐVHD trên địa bàn thành phố, đại đa số người dân đã nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ ĐVHD nên đã chuyển giao cho Chi cục Kiểm lâm thực hiện cứu hộ, thả về tự nhiên theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân mang vào các cơ sở thờ tự để phóng sinh hoặc tự ý thả ra ngoài khu dân cư, thực tế vẫn còn tình trạng người dân bày bán động vật hoang dã trên một số tuyến đường giao thông.
Nhiều năm qua, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, làm việc với các cơ sở thờ tự để vận động, tiếp nhận ĐVHD, cứu hộ thả về môi trường tự nhiên tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia của các tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Phước, Long An,...); phối hợp truy quét các tụ điểm mua, bán trên các tuyến đường.
Theo ông Trực, muốn giải quyết hiệu quả tình trạng nói trên cần có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ của các các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương từ công tác tuyên truyền đến kiểm tra, xử lý.
Theo báo cáo của ENV, 83% các vụ việc liên quan đến ĐVHD do người dân thông báo tới cơ quan chức năng tại TP.HCM đều không được xử lý thành công. Cơ quan chức năng TP.HCM cũng không thể tịch thu ĐVHD, chuyển giao hoặc xử phạt các đối tượng vi phạm trong 82% các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống do người dân thông báo.
Trong năm 2022, các cơ quan chức năng ở TP.HCM tiếp nhận 444 vụ việc về ĐVHD, chiếm gần 40% tổng số vụ việc liên quan đến ĐVHD do người dân thông báo trên cả nước, với tỷ lệ phản hồi đạt 98,9%.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác xử lý tại TP.HCM thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Số vụ việc do người dân thông báo được xử lý thành công chỉ chiếm 16,9%, tỷ lệ xử lý thành công các vụ liên quan đến ĐVHD còn sống chỉ đạt 18,1%.
Trước đó, năm 2021, UBND TP.HCM đã có công văn về việc tăng cường biện pháp quản lý ĐVHD trên địa bàn.
Trong đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân không mua, bán, nuôi, nhốt, vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm của động vật hoang dã; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ về hoạt động gây nuôi động vật hoang dã và các nhà hàng, quán ăn có thực đơn quảng cáo các sản phẩm, món ăn được chế biến từ ĐVHD; lập cơ sở dữ liệu về các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại các loài ĐVHD thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định hiện hành.