Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử
Ngày 9/8, nhiều người tập trung tại Công viên Hòa bình Nagasaki để cầu nguyện. Công viên được xây dựng gần nơi quả bom nguyên tử phát nổ.
Người dân Nhật Bản tưởng niệm 78 năm ngày quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Nagasaki. Nagasaki hiện vẫn là nơi cuối cùng từng phải hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân. Những người sống sót, được gọi là các "hibakusha", vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo điều này sẽ không thay đổi.
Một thanh niên 18 tuổi tham gia buổi lễ tại Công viên Tưởng niệm nói: "Tôi nghĩ thế hệ chúng tôi sẽ là những người cuối cùng được nghe trực tiếp trải nghiệm của những người sống qua chiến tranh, và kể lại cho các thế hệ mai sau".
Quy mô buổi lễ tưởng niệm năm nay được thu hẹp đáng kể do cơn bão nhiệt đới Khanun và lần đầu tiên được tổ chức trong nhà.
Người dân Nagasaki đã dành 1 phút mặc niệm lúc 11:02 sáng, thời điểm quả bom phát nổ vào ngày 9/8/1945. Tính đến cuối năm 1945, hơn 70.000 người đã thiệt mạng vì quả bom này.
Bà Kudo Takeko, một hibakusha, chỉ mới 7 tuổi khi quả bom phát nổ cách nhà khoảng 3km. Cha mẹ và anh chị em của bà đều lần lượt qua đời vì bệnh ung thư trong những năm sau đó. Chính bản thân bà Kudo cũng vừa trải qua ca phẫu thuật ung thư phổi cách đây 3 năm.
Bà nói: "Để ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân, Nhật Bản, với tư cách là quốc gia duy nhất từng bị tấn công hạt nhân, cần cho thế giới thấy được sự tàn khốc mà những quả bom hạt nhân đã gây ra. Nhật Bản phải vạch ra lộ trình để đạt được hòa bình mà không dựa vào vũ lực, cũng như phải cho thấy được rằng từ bỏ vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo vệ tương lai của Trái đất và nhân loại".
Thị trưởng Nagasaki, ông Suzuki Shiro cũng phát biểu về những mối nguy hại của vũ khí hạt nhân ở thời điểm hiện tại. Ông trực tiếp đưa ra lời kêu gọi với lãnh đạo của các nước có vũ khí hạt nhân cũng như các nước “nằm trong chiếc ô hạt nhân”.
Theo ông Suzuki, đây chính là lúc thể hiện lòng dũng cảm và đưa ra quyết định để thoát khỏi sự phụ thuộc vào khả năng răn đe hạt nhân.