Văn hóa - Du lịch

Bình Thuận: Du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh

Huỳnh Sang 08/08/2023 - 20:49

Tỉnh Bình Thuận khẳng định sẽ tập trung nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án đủ pháp lý…

Chiều 7/8, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội. Tại buổi Họp báo, khi giải đáp những câu hỏi của các đơn vị báo chí, UBND tỉnh Bình Thuận và các Sở, Ngành đã cho biết: Việc tổ chức thành công các chuỗi sự kiện, hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và đưa vào khai thác, sử dụng 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã tạo hiệu ứng tích cực trong sự tăng trưởng nền kinh tế ở Bình Thuận. Bằng việc thúc đẩy các hoạt động giao thương, thương mại, dịch vụ, vận tải… địa phương đã thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.

1(3).jpg
Quang cảnh buổi họp báo

Nửa đầu năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi tình hình kinh tế - xã hội thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn, thị trường xuất khẩu thu hẹp, đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế cả nước nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng. Song để vượt qua khó khăn, các cấp, các ngành tỉnh Bình Thuận đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tới nay, kinh tế địa phương đã đạt được những kết quả, tạo tiền đề, động lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch trọng tâm năm 2023.

Theo đó, quý I/2023, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 9,86% (xếp thứ 2/63 địa phương); 6 tháng đầu năm 2023 GRDP tăng 7,76% (xếp thứ 11/63 địa phương); Trong đó, nhóm ngành dịch vụ tăng 13,64%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực phi nông lâm thủy sản (nông lâm thủy sản chiếm 26,84%; Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 73,16%).

Ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng nhanh. Toàn tỉnh đón 4.460,5 ngàn lượt khách, đạt 66,38% so với kế hoạch, tăng 86,36% so với cùng kỳ năm 2022; Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 133,95 ngàn lượt, khách nội địa 4.326,55 nghìn lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 11.348 tỷ đồng, đạt 68,78% kế hoạch năm, gấp 2,52 lần so với cùng kỳ.

Cùng với đó, địa phương đã tổ chức thành công các chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2023, nhất là Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Đồng thời, việc đưa tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây vào khai thác, sử dụng đã tạo không khí phấn khởi trong nhân dân, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, du khách đến với Bình Thuận, từ đó tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những con số đạt được trên đã khẳng định sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng trong 6 tháng năm 2023.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, thành tựu tích cực trong việc kích cầu tăng trưởng kinh tế địa phương, Bình Thuận vẫn còn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần nhiều giải pháp tích hợp để giải quyết. Như việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa hiệu quả; Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn. Vẫn còn trường hợp tàu cá, ngư dân ở một vài địa phương đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, làm ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng của cả nước.

Những vướng mắc, bất cập kéo dài trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư để thu hồi đất, phục vụ thi công các công trình, dự án chậm được tháo gỡ. Trong đó, nhiều dự án còn vướng mắc trong việc thu hồi đất, làm ảnh hưởng tiến độ triển khai thực hiện; Trong đó có những dự án quan trọng như: Sân bay Phan Thiết (hạng mục quân sự), đường ĐT719B, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, cầu Văn Thánh, đường liên huyện dọc kênh chính qua các huyện Tuy Phong - Bắc Bình - Hàm Thuận Bắc, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp...

Việc xác định giá đất cụ thể đối với các dự án đầu tư còn rất chậm, nhiều dự án tuy đủ điều kiện để thực hiện việc tính giá đất nhưng hiện vẫn chưa xác định được giá đất cụ thể, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án và nguồn thu ngân sách tỉnh. Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công, đất dự án mang tính “côn đồ, xã hội đen” và tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại một địa bàn giáp ranh với tỉnh diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng dù tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã dần đi vào ổn định sau dịch Covid-19 và những bất ổn của tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới nhưng hiện nay các đơn vị vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Đối mặt với vấn đề cam ro ấy, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã tích cực xây dựng nhiều chính sách, kế hoạch phục hồi, ổn định cho doanh nghiệp từng bước cải thiện, vực dậy và phát triển bền vững.

2(4).jpg
Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phát biểu chỉ đạo họp báo

Hưởng ứng các quyết sách phục hồi kinh tế - xã hội từ chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, công ty, nhà máy, nhân dân đều khẩn trương, tích cực tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đạt được nhiều thành tích, góp phần không nhỏ vào việc phát triển của địa phương.

Song, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán rằng tình hình kinh tế thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường bất động sản suy giảm, xuất nhập khẩu đình trệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm ngành sản xuất, kinh doanh – dịch vụ…

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2023, Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Trong đó, địa phương sẽ tập trung nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy các cách làm hiệu quả trong việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Huỳnh Sang