Ngành Thống kê sẽ có sự kết nối, liên kết dữ liệu trên nền tảng Hue-S
Sáng 8/8, Đoàn công tác do Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu quy trình quản lý, vận hành, tích hợp, cung cấp dịch vụ trên nền tảng ứng dụng Hue-S.
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Thanh Bình, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT & TT) Nguyễn Xuân Sơn, đã thông tin liên quan về việc tổng hợp dữ liệu trên nền tảng Hue-S. Cụ thể, nền tảng Hue-S là một nền tảng số trên ứng dụng di động thống nhất phục vụ chuyển đổi số tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ năm 2018, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định xây dựng một siêu ứng dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số tại tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đến nay, Hue-S đã phát triển hơn 50 chức năng và hơn 20 dịch vụ với hơn 10 doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia tích hợp vào Hue-S nhằm cung cấp cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Hue-S đã và đang cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết 12-NQ/TU của tỉnh Thừa Thiên Huế “Xây dựng Hue-S thành nền tảng phổ biến trong kết nối hệ sinh thái xã hội số tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Theo số liệu thống kê, đến nay Hue-S đã có hơn 1.200.000 lượt tải ứng dụng, với 503.000 người dùng kích hoạt tài khoản để sử dụng các chức năng trên Hue-S.
Theo Giám đốc Sở TT & TT Nguyễn Xuân Sơn, mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S luôn xác định tùy vào tính chất riêng của tỉnh Thừa Thiên Huế để xây dựng, việc triển khai phát triển đô thị thông minh thông qua các dịch vụ đô thị thông minh tiếp tục phát huy hiệu quả tối đa sau thời gian triển khai.
Các dịch vụ điển hình như: Phản ánh hiện trường; Hệ thống camera giám sát; Dịch vụ giám sát về phòng, chống thiên tai, bão lụt; Giám sát dịch vụ hành chính công;
Hiện nay, Hue-S cung cấp hơn 50 chức năng và được cấu trúc lại thành rất nhiều vai trò người dùng phục vụ cho các nhóm đối tượng khác nhau như: Công dân, khách du lịch, doanh nghiệp, báo chí, Đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức… Mỗi vai trò là mỗi giao diện khác nhau, mỗi chức năng khác nhau phục vụ cho nhiều bài toán phát triển dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số của tỉnh.
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, khẳng định sở TT & TT là cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ xây dựng Hue-S thành hạt nhân chuyển đổi số của tỉnh và đã đạt được một số kết quả ban đầu. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang từng bước hoàn chỉnh cơ chế pháp lý đối với Hue-S, có quy chế vận hành cho Hue-S. Với các ứng dụng được tích hợp trên nền tảng Hue-S, nên đòi hỏi phải có chế tài, cơ sở pháp lý trong quản lý và vận hành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo điều hành, phân cấp, phân quyền. Qua đó có sự thống nhất, kết nối liên thông dữ liệu, chú trọng các kỹ thuật công nghệ mới, có chọn lọc nhất định nhằm phục vụ có hiệu quả công tác điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn Tổng cục Thống kê tiếp tục có những góp ý kiến liên quan lĩnh vực dữ liệu của ngành, có sự kết nối dữ liệu, chia sẻ các giải pháp về thống kê được tích hợp trên nền tảng Hue-S, qua đó phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin cho người dân và doanh nghiệp sử dụng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Thừa Thiên Huế trong chuyển đổi số, đặc biệt là nền tảng Hue-S đã tạo tính đột phá, với các ứng dụng được tích hợp, góp phần phục vụ các hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và phục vụ người dân và doanh nghiệp tra cứu sử dụng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, thông tin thống kê đóng vai trò hết sức quan trọng, là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, là cơ sở để đánh giá, phân tích, dự báo tình hình kinh tế-xã hội cả nước và của từng ngành, lĩnh vực.
Phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Hoạt động thu thập thông tin thống kê đã được Tổng cục triển khai ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu. Đặc biệt, trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn và tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và kinh phí so với các kỳ tổng điều tra trước.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ mong muốn thông qua buổi làm việc, có sự trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu quy trình quản lý, vận hành, tích hợp cung cấp dịch vụ trên nền tảng Hue-S để có thể triển khai ứng dụng có hiệu quả trong ngành Thống kê.
Qua đó, đối với các dữ liệu riêng biệt của ngành Thống kê sẽ có sự kết nối, liên kết dữ liệu trên nền tảng Hue-S để phục vụ người dân và doanh nghiệp tra cứu sử dụng, góp phần mang lại sự tiện ích, nhanh chóng trong tìm kiếm, chia sẻ dữ liệu của ngành.