Có lấy lại được tiền khi bị đối tượng giả danh nhà mạng lừa đảo?
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người dân nên cẩn thận và thận trọng khi nhận cuộc gọi không xác định, đặc biệt là khi có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài sản.
Bạn đọc Cấn Ngọc Quân (Hải Dương) hỏi: Thời gian qua, xuất hiện phương thức lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, gọi điện thoại tới khách hàng thông báo khóa thuê bao rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Mặc dù chiêu trò này không mới nhưng không phải ai cũng biết và đã có nhiều người sập bẫy mất tiền. Xin hỏi hành vi này sẽ bị xử lý thế nào? Liệu rằng nạn nhân có lấy lại tiền khi bị đối tượng giả danh nhà mạng lừa đảo không?
Luật sư Phạm Thị Thanh Phương, Phó Giám đốc công ty Luật XTVN (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời:
Trong thời gian qua đặc biệt là thời điểm các nhà mạng viễn thông yêu cầu các chủ thuê bao chuẩn hóa thông tin đối với thuê bao điện thoại của mình, người dùng nhận được một cuộc gọi thông báo họ sắp bị khóa thuê bao và yêu cầu thực hiện theo các bước. Lúc này, các đối tượng lừa đảo tự nhận là nhân viên nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa.
Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng đưa ra nhiều lời đe dọa sẽ khóa thuê bao di động và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Nếu thực hiện theo sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ tiến hành chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP ngân hàng, tài khoản mạng xã hội.
Chiêu lừa đảo này không mới, nhưng trong bối cảnh nhà mạng thực hiện cập nhật thông tin khách hàng khiến người dùng rất khó phân biệt thật giả, dễ bị mắc lừa. Kẻ xấu thường khai thác tâm lý lo lắng và nhắm vào vấn đề liên quan đến quyền lợi, luật pháp nên càng khiến cho người dùng dễ hoảng sợ và làm theo kịch bản của kẻ lừa đảo.
Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.”.
Như vậy, tùy từng mức độ của hành vi, người thực hiện hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, gọi điện thoại tới khách hàng thông báo khóa thuê bao rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù đến 20 năm.
Trường hợp bị đối tượng mạo danh nhà mạng lừa đảo chiếm đoạt tiền, nạn nhân có lấy lại được số tiền bị chiếm đoạt hay không còn phụ thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan Công an. Thực tế, cơ hội lấy lại tiền đã mất là rất khó do không tìm được đối tượng lừa đảo hoặc không đủ bằng chứng để khởi tố điều tra vụ án.
Vì vậy, để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người dân nên luôn cẩn thận và thận trọng khi nhận cuộc gọi không xác định, đặc biệt là khi có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài sản. Nếu gặp bất kỳ tình huống nào đáng ngờ, nên liên hệ với nhà mạng hoặc cơ quan chức năng để xác minh thông tin trước khi cung cấp thông tin cá nhân hay thực hiện bất kỳ hành động nào khác.