Đầu năm xin chữ lấy may

Đời sống - Ngày đăng : 08:40, 07/02/2015

Nhìn phố ông Đồ ở Văn Miếu (Hà Nội) mới thấy nhu cầu xin chữ treo Tết lấy may hiện nay khá lớn. Trên mạng cũng rất nhiều câu hỏi và trao đổi xung quanh việc xin chữ, chơi chữ ngày xuân…

Ông đồ rởm làm hỏng phong tục đẹp

Xin chữ đầu năm là một phong tục đẹp của người Việt. Ngày xưa, khi chữ Hán còn thịnh hành thì người ta đến xin chữ các ông Đồ, ông Tú, ông Cử… những người “hay chữ” trong làng, trong phố. Cụ Tam nguyên Yên Đổ cũng cho chữ rất nhiều trong dịp Tết, như cụ viết dựa trên chính lời nói của người đến xin chữ thành đôi câu đối Nôm  rằng “Có mấy quả cau mang biếu cụ/ Xin đôi câu đối để thờ ông”.

Ngoài ý nghĩa sâu sắc, chuyển tải được nguyện vọng, sở thích của chủ nhà, chữ Hán viết mực đen trên giấy điều có tính trang trí rất cao, đẹp mắt, làm bừng lên khung cảnh ngày xuân trong mỗi căn nhà.

Ngày nay thú chơi chữ đã khác xưa, do không mấy người biết chữ Hán. Người xin câu đối không nhiều, chủ yếu chỉ xin một hai chữ treo chơi Tết. Trong khung cảnh nội thất hiện đại, một chữ Hán treo trong nhà khiến không gian đầm ấm, có bản sắc và không khí Tết bừng lên. Vì vậy, nhu cầu xin chữ chơi Tết ngày càng nhiều. Có cung thì có cầu, chợ ông Đồ Văn Miếu nhộn nhịp hàng năm là một sinh hoạt văn hóa đẹp của Hà Nội.

Đầu năm xin chữ lấy may

Ông đồ xưa

Tuy nhiên, chữ nghĩa là biểu hiện của học vấn, thư pháp là kết quả khổ luyện, nên chợ chữ xô bồ dẫn đến những chuyện không vui như viết chữ sai, nhìn mặt đặt giá tiền… Chính vì thế năm nay Ban tổ chức yêu cầu các “ông Đồ” phải sát hạch.

Cuộc sát hạch ngày 31/1 tại Văn Miếu gồm có hai phần: Phần thi chữ Hán và phần thi chữ Quốc ngữ. Đề thi phần chữ Hán rất dễ, các thí sinh chỉ phải viết đúng 4 chữ với những yêu cầu tối thiểu, nhưng cho thấy một thực trạng buồn lòng. TS Phạm Văn Ánh ở trong ban phụ trách chấm thi mảng chữ Hán cho biết: “Sau khi chấm sát hạch, kết quả cho thấy, 70% các “ông đồ” viết sai. Thậm chí có người viết sai đến 3 chữ. Viết không khác nào dùng mực bôi bẩn lên giấy. Nguy hiểm hơn, có người thậm chí còn chưa biết cách cầm bút… Về bản chất, các “ông đồ” tham gia thi là những người bán chữ. Vì vậy, nhất thiết phải sát hạch để xem họ có biết viết và biết nhiều chữ hay không, tránh tình trạng để người dân mua phải hàng rởm”.

Sau thời gian “so bó đũa, chọn cột cờ”, Ban giám khảo cũng đã chọn ra những “ông đồ” khả quan nhất, có kiến thức và thư pháp tương đối ổn để có thể cho chữ trong Hội chữ Xuân.

Sau khi được sát hạch, các “ông đồ” đạt yêu cầu sẽ được nhận thẻ và ngồi hoạt động động tại các lều bạt bố trí quanh Hồ Văn trước Văn Miếu. Ban tổ chức cũng yêu cầu các ông đồ niêm yết giá công khai để không còn xảy ra tình trạng chặt chém khách xin chữ như các năm khác. Giá tiền mỗi lần cho chữ, tùy vào loại giấy, giá dao động khoảng 120 nghìn đến 200 nghìn đồng/ 1 lần cho chữ. Bạn Nguyễn Phương Uyên (Sinh viên trường Đại học Hà Nội) cho biết “Năm nào em cũng tới Quốc Tử Giám xin chữ đầu năm để lấy may. Mọi năm, không biết giá cả thế nào, ông Đồ nói bao nhiêu đưa tiền bấy nhiêu. Có năm mất cả ba, bốn trăm nghìn/ lần cho chữ, mà không dám nói lời nào. Vậy mà về lại phát hiện chữ viết sai… Năm nay, em xin chữ chỉ có 120 nghìn/lần”.

Đầu năm xin chữ lấy may

Chợ ông đồ Văn Miếu - Hà Nội

Thú chơi tao nhã

Hiện nay có những câu hỏi trên mạng rằng “Em tuổi Gà, năm nay xin chữ gì thì phù hợp cả nhà ơi?”; “Em tuổi Thìn, năm nay Ất Mùi xin chữ nào thì hợp ạ”… Tuy nhiên, cách nghĩ đượm màu sắc mê tín này không phù hợp với việc xin chữ.

Đã gọi là đi xin chữ thì ta phải gặp người “hay chữ” để xin, sau khi trình bày nguyện vọng, mong ước trong năm nay như thi cử hay kết hôn, làm nhà hay du học… người cho chữ sẽ viết tặng bạn những chữ phù hợp.

Đa số người không biết chữ Hán chỉ nhớ đến mấy chữ quen thuộc, sáo mòn như Phúc, Thọ, Lộc, Tâm, Nhẫn hay Khoa, Đỗ… trong khi có rất nhiều chữ mới lạ hơn, phù hợp với từng hoàn cảnh hơn mà người cho chữ có thể lựa chọn để viết tặng. Như thế ta sẽ có một chữ độc đáo. Chữ Hán viết tay có giá trị của sự độc bản, không chữ nào giống chữ nào, vậy thì mất công đi xin chữ, ta không nên chọn chữ sáo mòn, giống nhà khác, giống người khác…

Một bạn gái năm nay sẽ làm đám cưới có thể xin chữ Hằng, nghĩa là bền vững, mãi mãi, hay chữ Thuận, “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Muốn tặng bố mẹ một chữ đẹp, có thể xin viết tặng chữ Khang, nghĩa là mạnh khỏe, tốt lành.

Chị Thu Thủy ở Long Biên, chia sẻ: Năm vừa rồi, con trai tôi nhận được một học bổng Cao học tại nước ngoài, người viết cho cháu chữ Hạo, nghĩa là rạng đông, là bình minh, với hàm ý cháu như mặt trời buổi sớm, có một tương lai tươi sáng… Thật là tuyệt. Cá nhân tôi đang theo học các lớp Thiền, tu tập để tâm thân an lạc thì được tặng chữ Tĩnh viết trên giấy vàng, màu của nhà Phật, thật đẹp mà đúng tâm nguyện, treo trong nhà chữ này tôi thấy an vui.

Đầu năm xin chữ lấy may

Chữ Tường  - Thủ bút của Lâm Uyên

Một trường hợp khác chia sẻ, mẹ mới mất, muốn có một chữ treo trong nhà cho phù hợp mà vẫn ấm áp. Vậy là được cho chữ Huy viết trên giấy vàng. Huy là ánh sáng, giấy vàng như ánh nắng và nhà có tang nên không dùng màu đỏ. Chữ Huy lấy từ bài thơ của Mạnh Giao "Thùy ngôn nhất thốn thảo/ Báo đắc tam xuân huy" - Đừng nói một tấc cỏ (tấm lòng của người con)/ Có thể báo đáp được nắng xuân (lòng yêu thương vô bờ bến của mẹ). Một chữ Huy mà chan chứa biết bao tâm sự.

 

Có người hỏi, vậy thì chữ nào có thể dùng chung cho mọi người, vẫn hay mà không sáo mòn. Có nhiều chữ nhưng chữ Tường chẳng hạn là một chữ rất hay. Tường là tốt lành, là điềm lành, hơn nữa trong chữ Tường có chữ Dương là con dê. Năm Mùi, con dê mang đến điềm tốt lành thì thật vui…

 

Nói thế để thấy chơi chữ là một phong tục bình dị nhưng ẩn chứa trong đó bề sâu văn hóa, không phải thứ xô bồ, cẩu thả. Nếu nhu cầu cao hơn, xin chữ treo lâu dài trong nhà, xin chữ làm hoành phi, câu đối thì ta cần tìm đến các nhà Hán học uyên thâm, các nhà thư pháp chuyên nghiệp để bảo đảm hay cả về ý nghĩa, nội dung và đẹp về hình thức.

 

“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua/Bao nhiêu người thuê viết/Tấm tắc ngợi khen tài/Đưa tay thảo nhưng nét/Như phượng múa, rồng bay”…  Hình ảnh “Ông đồ” trong thơ Vũ Đình Liên lại hiện hữu trong đời sống hôm nay, như một nét văn hóa nối giữa hai thời đại.

 

 

Bảo Thư