5.000 việc làm cho sinh viên Đại học Sài Gòn
Ngày hội chuyển đổi số hướng nghiệp và việc làm năm 2023 mang đến 5.000 vị trí tuyển dụng với đa dạng lĩnh vực cho hàng ngàn sinh viên của trường Đại học Sài Gòn.
Sáng 5/8, tại trường Đại học Sài Gòn, Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, Sinh viên, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên Thành phố, Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế, Sở Ngoại vụ TP.HCM, Phòng Kinh tế - UBND quận 5 phối hợp tổ chức Ngày hội chuyển đổi số hướng nghiệp và việc làm năm 2023.
Ngày hội có sự tham gia của hơn 35 tổ chức, doanh nghiệp, mang đến 5.000 vị trí tuyển dụng với đa dạng lĩnh vực, qua đó giúp hơn 3.000 sinh viên của Đại học Sài Gòn định hướng, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp phù hợp.
Đến với ngày hội, sinh viên được trải nghiệm khu vực chia sẻ, định hướng nghề nghiệp, việc làm; khu vực tuyển dụng trực tiếp; khu vực “Phỏng vấn thử - Thành công thật”; khu vực tìm việc online “Đăng ký hôm nay - Có ngay việc làm”; khu vực khảo sát, đánh giá nhu cầu sinh viên "Kiểm tra tính cách - Xây dựng bản sắc”; khu vực sân chơi văn hóa, văn nghệ và ẩm thực...
PGS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn cho biết, ngày hội là dịp để sinh viên nhà trường tiếp cận cơ hội nghề nghiệp từ những doanh nghiệp lớn, uy tín; được trang bị những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số; đồng thời được tiếp thu, tích lũy những kỹ năng, trải nghiệm bổ ích trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường để tìm được cơ hội việc làm cũng như lựa chọn con đường sự nghiệp đúng đắn trong tương lai.
"Ngày hội rất đông vui, có nhiều gian hàng tuyển dụng phục vụ nhu cầu tìm việc của sinh viên. Hôm nay em tham gia phỏng vấn với mong muốn tìm được công việc trợ giảng vì nó phù hợp với lịch học và thời gian của em. Em học Quốc tế học nhưng bản thân em xác định làm trái ngành, em nghĩ mình phải chủ động học hỏi, trang bị kiến thức, kỹ năng để ra trường có công việc như ý", Ngọc Giàu, sinh viên trường Đại học Sài Gòn chia sẻ.
Tương tự Ngọc Giàu, Hoàng Vinh, sinh viên năm 3 trường Đại học Sài Gòn đến ngày hội với mục đích giao lưu, trải nghiệm các gian hàng tuyển dụng.
"Ngày hội rất đa dạng, sôi động, em hy vọng trường sẽ phối hợp tổ chức thêm nhiều ngày hội để hỗ trợ sinh viên trong việc định hướng, tìm kiếm việc làm", Vinh nói.
Ngày hội năm nay còn tổ chức nhiều hoạt động đồng hành cùng sinh viên và doanh nghiệp như khảo sát, đánh giá xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu nghề nghiệp, việc làm của sinh viên; chuỗi hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp; chuỗi chuyên đề kỹ năng dành cho sinh viên...
Đồng thời, trường Đại học Sài Gòn cũng tổ chức các chuyên đề: “Nhà giáo trẻ - Những điều bạn cần biết”; “Ứng dụng ChatGPT trong học tập”, “Kỹ năng, nghiệp vụ ngoại giao và những cơ hội, thách thức hội nhập quốc tế trong sinh viên”… để hỗ trợ sinh viên.
Theo Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong 6 tháng cuối năm 2023, dự kiến nhu cầu nhân lực diễn biến theo hai kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Dự kiến nhu cầu nhân lực cần khoảng 145.000 – 155.000 chỗ làm việc.
Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực, tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu khả quan, doanh nghiệp tại thành phố có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất; nhu cầu lao động tăng, tạo điều kiện ổn định thu nhập cho người lao động. Dự kiến nhu cầu nhân lực cần khoảng 155.000 – 165.000 chỗ làm việc.
Cũng theo dự báo, nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm tập trung tuyển dụng ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu.
Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 64,57% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 34,62% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,81%.
Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 21,97% (ngành cơ khí chiếm 6,11%, điện tử - công nghệ thông tin chiếm 7,2%, chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 4,02%, hóa dược - cao su chiếm 4,64%).
Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 54,77% (ngành thương mại chiếm 18,41%; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu chiếm 4,22%; du lịch chiếm 4,67%; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 3,15%; tài chính - tín dụng ngân hàng - bảo hiểm chiếm 6,19%; kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 7,96%; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ chiếm 4,61%; giáo dục - đào tạo chiếm 3,02%; y tế chiếm 2,54%).
Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,13% tổng nhu cầu nhân lực (trình độ đại học trở lên chiếm 17,84%, cao đẳng chiếm 26,63%, trung cấp chiếm 26,29%, sơ cấp chiếm 15,37%). Nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá thấp với 13,87% tổng nhu cầu nhân lực.