Chánh án Nguyễn Xuân Huyến: “Trợ lý ảo giúp các Thẩm phán đưa ra các phán quyết đúng pháp luật”
“Trợ lý ảo giúp các Thẩm phán đưa ra các phán quyết đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị”. Đó là chia sẻ của Thẩm phán Nguyễn Xuân Huyến, Chánh án TAND TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) trong cuộc trao đổi với PV Báo Công lý.
PV: Thưa Chánh án, hiện Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo” cho Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp, ông có thể cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà đã thực hiện áp dụng phần mềm này như thế nào (về cơ sở hạ tầng, về trang thiết bị, về tập huấn sử dụng cho cán bộ, …)?
Chánh án Nguyễn Xuân Huyến: Phần mềm “Trợ lý ảo” là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử các phiên tòa, là công cụ trợ giúp đắc lực cho việc xét xử, giải quyết các vụ án.
Theo Kế hoạch số 29/KH-TANDTC ngày 25/02/2022 và Kế hoạch số 49/KH-TANDTC ngày 15/3/2022 của Tòa án nhân dân tối cao về kế hoạch triển khai giai đoạn 02 phần mềm “Trợ lý ảo” cho Tòa án và đưa “Trợ lý ảo” làm việc 24/7 để hỗ trợ các Thẩm phán tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, án lệ, bản án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo.
Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà đã triển khai thực hiện áp dụng phần mềm này, 100% các Thẩm phán, Thư ký tổ hành chính Tư pháp đã được tham gia tập huấn bằng hình thức Hội nghị trực tuyến do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức.
Ngay sau khi được tập huấn, các Thẩm phán, Thư ký đã tải cài đặt phần mền trợ lý ảo trên máy tính để sử dụng, có đồng chí cài đặt trên điện thoại cá nhân để sử dụng. Nhìn chung hầu hết đội ngũ Thẩm phán, Thư ký đều có tương tác. Tuy nhiên, hiện nay Tòa án nhân dân tối cao chỉ mới cung cấp tài khoản và mật khẩu cho Thẩm phán cho nên việc sử dụng trợ lý ảo vẫn đang dừng lại ở mức từng cặp đôi Thẩm phán - Thư ký hỗ trợ lẫn nhau cùng khai thác.
PV: Xin Chánh án cho biết việc áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo” có ảnh hưởng tới tính độc lập trong phán quyết của các Thẩm phán hay không thưa ông?
Chánh án Nguyễn Xuân Huyến: “Trợ lý ảo” chỉ là phương tiện để hỗ trợ cho Thẩm phán tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật, giúp cho việc áp dụng pháp luật thống nhất và đúng hơn, hoặc tham khảo các tình huống pháp lý tương tự.
Đây chỉ là giải pháp để nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng và chất lượng xét xử của Thẩm phán. “Trợ lý ảo” không chỉ ra những trường hợp cụ thể cho từng vụ án, nên không làm mất đi tính độc lập trong phán quyết của Tòa án.
PV: Qua một thời gian sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, Chánh án thấy hiệu quả công việc có sự khác biệt như thế nào? Các Thẩm phán sử dụng phần mềm có gặp khó khăn, vướng mắc gì không thưa ông?
Chánh án Nguyễn Xuân Huyến: Qua một thời gian sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” với tính năng tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật nên một số vướng mặt về áp dụng pháp luật đã được giải quyết. Đặc biệt phần chỉ dẫn “Trợ lý ảo” lưu trữ nhiều tài liệu giúp cho chúng ta có thể tra cứu những quy định các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật đã ban hành, hướng dẫn từ nhiều năm hoặc tài liệu chuyên ngành của nhiều lĩnh vực liên quan…
Nhờ đó, Thẩm phán áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho từng vụ việc cụ thể, thực hiện các trình tự, thủ tục tố tụng kịp thời, đúng quy định pháp luật; giúp các Thẩm phán đưa ra các phán quyết đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Về vướng mắc, “Trợ lý ảo” là ứng dụng CNTT hỗ trợ Thẩm phán. Các Thẩm phán đều được tập huấn hướng dẫn sử dụng nhưng đây là giai đoạn mới bắt đầu triển khai, nên việc áp dụng tại hệ thống Tòa án sẽ không tránh khỏi những khó khăn vì hiện nay trình độ về tin học, khả năng sử dụng máy vi tính của các Thẩm phán không đồng đều, chưa quen nên thao tác vẫn chưa thành thạo.
Hiện Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà đã sử dụng phương thức hỗ trợ lẫn nhau giữa các Thẩm phán, giữa cặp đôi Thẩm phán và Thư ký để cùng tương tác.
PV: Trong thời gian tới, Chánh án có mong muốn gì ở phần mềm “Trợ lý ảo” hiện đang được áp dụng trong hệ thống Tòa án thưa ông?
Chánh án Nguyễn Xuân Huyến: Chúng tôi mong muốn Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện “Trợ lý ảo” kịp tiến độ qua từng giai đoạn, để tiếp tục hoàn thiện hơn về phần mềm “Trợ lý ảo” Tòa án, giúp cho phần mềm “Trợ lý ảo” ngày càng thông minh hơn, là kho tri thức khổng lồ, như một bách khoa toàn thư pháp luật, giúp cho Thẩm phán và Thư ký có thể tự nghiên cứu, học hỏi, tham khảo để nâng cao kiến thức pháp luật của mình.
Phần mềm “Trợ lý ảo” sẽ là bước ngoặt trong việc áp dụng công nghệ thông tin của Tòa án, đây chính là việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hoạt động của Tòa án nhằm đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tạo nền móng tiến tới xây dựng Tòa án điện tử.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!