Tòa án địa phương

Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải án dân sự

Phúc Thịnh 04/08/2023 - 07:25

Hòa giải trong tố tụng dân sự không chỉ giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên toà xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước, tạo thuận lợi cho việc thi hành án mà còn hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị, nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.

Trong quá trình tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, TAND huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau), luôn thực hiện đúng các trình tự và thủ tục liên quan đến vụ án.

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, lãnh đạo TAND huyện Thới Bình giao cho các Thẩm phán phụ trách vụ án nghiên cứu kỹ hồ sơ trên cơ sở tiến hành thu thập thông tin, làm rõ vấn đề mấu chốt của vụ việc.

Phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị nơi đương sự cư trú, làm việc để tìm hiểu nhân thân của đương sự, các tình tiết của vụ án, cũng như ý kiến của những người có liên quan đến vụ án.

Sau khi có đủ các thông tin và tài liệu, chứng cứ liên quan, TAND huyện Thới Bình sẽ ban hành quyết định mở phiên hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử.

Tại các buổi hòa giải, Thẩm phán trực tiếp gặp gỡ các đương sự, giải thích cho họ hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình hòa giải. Các Thẩm phán luôn dành thời gian cho các bên nói rõ quan điểm, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng. Phân tích rõ cho các đương sự biết được lợi ích mà họ sẽ có nếu thỏa thuận giữa hai bên thành công tại phiên hòa giải.

Đối với những vụ án tranh chấp về đất đai thường là phức tạp hơn các vụ án dân sự khác, TAND huyện đã trực tiếp xác minh, xem xét ngoài thực địa, hướng các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau.

tbinh.jpg
Trụ sở TAND huyện Thới Bình

Quá trình điều tra, xác minh và hòa giải, TAND huyện Thới Bình luôn kết hợp với chính quyền địa phương cùng tham gia hòa giải…Đối với các vụ án hôn nhân và gia đình, đơn vị cũng để các đương sự có thời gian suy nghĩ, lựa chọn và đi đến quyết định cuối cùng…

Bên cạnh đó, các Thẩm phán cũng chủ động gợi mở cho các bên đương sự suy nghĩ, tự thương lượng, thỏa thuận mà không cần Tòa án xét xử. Các quy trình thực hiện công tác hòa giải luôn tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và được áp dụng thống nhất.

Thực tế trong quá trình hòa giải, đội ngũ Thẩm phán luôn thể hiện sự gần gũi, tôn trọng sự tự nguyện của các bên liên quan. Tùy theo tính chất của từng vụ án cụ thể, quá trình hòa giải được TAND huyện Thới Bình tiến hành kịp thời, chủ động, nhằm tạo điều kiện cho các đương sự hiểu rõ các vấn đề liên quan đến tranh chấp.

Đội ngũ Thẩm phán của TAND huyện luôn thể hiện sự kiên trì trong quá trình hòa giải, chỉ khi nào không còn khả năng hòa giải mới đưa vụ án ra xét xử. Với những giải pháp tích cực đã được thực hiện, tỷ lệ hòa giải thành các tranh chấp trong các vụ án dân sự của TAND huyện Thới Bình ngày càng tăng.

Từ đầu năm 2023 đến 30/6/2023 TAND huyện Thới Bình đã giải quyết 665 vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại trong đó hòa giải thành, hòa giải đoàn tụ rút đơn kiện là 335 vụ, việc, đạt tỷ lệ 50,37%.

Bà Tiêu Hồng Phượng - Chánh án TAND huyện Thới Bình cho biết, về công tác hòa giải tại đơn vị trong thời gian qua được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban cán sự đảng và sự lãnh đạo của TAND tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ban lãnh đạo đơn vị đã chủ, động kịp thời đôn đốc, nhắc nhở Thẩm phán không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc.

z4572106089012_da03d91a50426964627f08ee2a6a240f.jpg
Một phiên hòa giải tại TAND huyện Thới Bình

Đặc biệt, trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình đơn vị rất chú trọng đến công tác hòa giải, để góp phần làm giảm bớt mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tiết kiệm tiền bạc chi phí của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

Để nâng cao năng lực hòa giải của Thẩm phán, Thẩm phán hòa giải phải giữ vai trò trung gian, vô tư khách quan. Quá trình điều hành hòa giải phải linh hoạt, mềm dẻo, lắng nghe ý kiến của đương sự; Thẩm phán cần nghiên cứu trước nội dung vấn đề tranh chấp cần hòa giải để cần thiết xác minh thu thập chứng cứ ghi lời khai của đương sự trước khi hòa giải.

Định hướng được nội dung cần hòa giải, nghiên cứu thói quen tập quán địa phương, mối quan hệ giữa các bên đương sự. Khi hòa giải Thẩm phán phải dùng tình cảm thuyết phục đương sự đi đến sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án hoặc tự nguyện rút đơn.

Trong thời gian tới, TAND huyện Thới Bình tập trung giải quyết dứt điểm án thụ lý từ năm 2021; giải quyết án thụ lý năm 2022 đạt tỷ lệ từ 85% trở lên, giải quyết toàn bộ án kinh doanh thương mại, đặt mục tiêu hòa giải thành đạt tỷ lệ 60% trở lên.

Đặc biệt, TAND huyện Thới Bình tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ Thẩm phán, Thư ký; cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của TAND cấp trên và các văn bản pháp luật mới được ban hành để cán bộ, Thẩm phán, Thư ký nghiên cứu vận dụng linh hoạt trong công tác giải quyết các vụ việc.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chuyên môn để giải quyết kịp thời các vụ án theo quy định của pháp luật.

Phúc Thịnh