Ba Lan cáo buộc Belarus vi phạm không phận
Ngày 2/8, căng thẳng giữa Ba Lan và Belarus gia tăng sau khi có thông tin 2 máy bay trực thăng xâm phạm không phận của nước này. Belarus đã phủ nhận mọi hành vi vi phạm biên giới.
Ba Lan cho biết sẽ gửi thêm quân và thiết bị quân sự tới biên giới phía Đông sau khi 2 máy bay trực thăng của Belarus được cho là đã bay vào không phận của quốc gia NATO này hôm thứ Ba (ngày 1/8).
"Hai máy bay trực thăng Belarus đang huấn luyện gần biên giới đã vi phạm không phận Ba Lan", Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết trong một tuyên bố.
Belarus đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc vi phạm này. "Cáo buộc về việc các trực thăng Mi-24 và Mi-8 của Lực lượng Phòng không và Không quân Belarus xâm phạm biên giới Ba Lan là quá cường điệu và được giới lãnh đạo quân sự và chính trị Ba Lan đưa ra để biện minh cho việc huy động lực lượng và phương tiện tại biên giới Belarus", Minsk cho biết.
Ba Lan cho biết "sự vi phạm diễn ra ở khu vực Bialowieza ở độ cao rất thấp, cản trở việc phát hiện của các hệ thống radar".
Minsk trước đó đã thông báo cho Warsaw rằng, họ dự định tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực.
Một số cư dân Ba Lan trong khu vực cho biết, đã nhìn thấy máy bay trực thăng của Belarus trên đầu vào sáng sớm, đăng ảnh và video hình ảnh hai chiếc máy bay này lên mạng xã hội.
Ba Lan thông tin, NATO đã được thông báo về vụ xâm nhập.
Theo Bộ Ngoại giao Ba Lan, đại biện lâm thời của Belarus đã "được triệu tập ngay lập tức" để giải thích tình hình và Warsaw đã "phản đối kiên quyết".
"Phía Ba Lan nhấn mạnh rằng, vụ việc được coi là một yếu tố khác làm leo thang căng thẳng ở biên giới Ba Lan-Belarus. Ba Lan mong Belarus kiềm chế các hoạt động như vậy", Bộ này cho biết.
Vào thứ Bảy (ngày 29/7), Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã lên tiếng cảnh báo, tuyên bố rằng một nhóm gồm 100 lính đánh thuê Wagner đã tiến gần hơn đến biên giới và cáo buộc họ chuẩn bị giúp đỡ những người di cư vào Ba Lan như một phần của nỗ lực hỗn hợp, nhằm gây bất ổn cho đất nước khi nước này chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào mùa thu này.
Ba Lan và nước láng giềng Litva, cả hai đều là thành viên EU và NATO, đã phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng di cư phần lớn từ Trung Đông và châu Phi đang tìm cách vượt qua biên giới của họ.