Thức dậy một vùng biên
Từ cuộc sống rày đây mai đó, ngày ngày tháng tháng lang bạt qua những ngọn núi cánh rừng, giờ đồng bào La Hủ ở Mường Tè không còn di cư nữa. Nghe theo lời vận động của chính quyền, họ đã bước ra khỏi rừng già sâu thẳm để dựng làng lập bản, cố gắng làm ăn kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo. Nhờ thế mà vùng biên viễn nơi cực Tây của Tổ quốc cũng đang dần sáng rỡ.
Quá khứ chìm trong đói nghèo, lạc hậu
Ước tính dân tộc La Hủ hiện có khoảng hơn 12.000 người, phần lớn sinh sống tại các xã Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, Thu Lũm, Ka Lăng... của huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tộc người này nổi tiếng với lối sống du canh, du cư, rày đây mai đó. Mỗi khi đến vùng đất mới, họ phát nương làm rẫy rồi dựng lều, dựng lán. Đến khi đất đai bạc màu, họ lại gánh gồng chuyển đi nơi khác. Thời gian họ định cư nhanh đến nỗi nhiều khi những chiếc lá lợp mái nhà chỉ mới kịp vàng.
Chính vì lối sống như thế nên xưa kia người La Hủ chìm lút trong đói nghèo và hủ tục. Nỗi lo về miếng cơm manh áo truyền từ đời nọ sang đời kia như cái đuôi ma quái của núi rừng. Nơi ở của đồng bào phần lớn là những ngôi nhà trệt, tạm bợ, bưng vách bằng phên nứa và cây rừng. Trong nhà, vật giá trị nhất có lẽ chỉ là dăm cái nồi méo mó, vài cái bát vỡ và những bộ quần áo rách nát, tạm bợ không đủ sưởi ấm cho người giữa rừng dày sương lạnh.
Có lẽ, với những chiếc lều lợp lá ở tạm bợ để rồi chuyển đi khi lá lợp đã vàng của những ngày du canh nương rẫy trên núi cao xa xưa, đã làm cho người La Hủ không có một kiến trúc nhà truyền thống. Những ngôi nhà của đồng bào La Hủ thường là những kiểu nhà “vay mượn” của hầu hết các dân tộc anh em sống xung quanh.
Và cũng do thói quen du canh, du cư, nên hầu như người La Hủ sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Không chỉ luôn đói ăn, thiếu mặc, không biết nói tiếng phổ thông, thậm chí họ còn sợ cả nơi phong quang, sợ cả ánh mặt trời. Một năm, người La Hủ chỉ có thể tự đảm bảo lương thực cho gia đình mình trong vài tháng, những tháng còn lại đành săn bắt hái lượm, dựa cả vào rừng.
Đói nghèo, lạc hậu nên đã có những thời điểm người La Hủ phải đối mặt với tình trạng suy thoái giống nòi nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cuộc sống du canh, du cư trên các vùng rừng hoang vắng đã cô lập chính họ, ít có quan hệ với các cộng đồng tộc người chung quanh. Mỗi chòm bản của người La Hủ thường được dựng lên khá tạm bợ bằng cây rừng và cách biệt giữa những đỉnh núi cao.
Thời đó, hầu hết các xóm bản của người La Hủ đều trong tình trạng “7 không”, có nghĩa là không điện, không đường, không trường, không trạm, không chợ, không thông tin, không thủy lợi. Cũng vì lẽ ấy, cái đói cái nghèo luôn đeo đẳng họ, từ đời này sang đời khác. Và một điều đặc biệt là phần lớn đồng bào đều không biết nói tiếng phổ thông.
Bước ra khỏi rừng già
Ðứng trước thực trạng đó, chính quyền và các lực lượng chức năng của tỉnh Lai Châu đã quyết tâm vào cuộc nhằm làm thay đổi, nâng cao chất lượng sống của người La Hủ. Nhiều chủ trương, chính sách được triển khai thực hiện một cách bài bản, khoa học, mỗi bản làng người La Hủ dường như “thay da đổi thịt” mỗi ngày.
Ðã có nhiều nguồn vốn từ Quỹ xóa đói, giảm nghèo, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ xây dựng nhà Ðại đoàn kết... được huy động để giúp người dân La Hủ. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu trực tiếp đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng kế hoạch đưa Bộ đội Biên phòng về các chòm bản giúp người dân La Hủ xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Những ngày đầu xuống dân ở bản Nhóm Pố là những chuỗi ngày các cán bộ, chiến sĩ lăn xả cùng bà con khai hoang, phục hóa hàng trăm héc-ta ruộng để trồng lúa nước và thực hiện những dự án phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho người La Hủ. Với tinh thần trách nhiệm và nghĩa đồng bào, những người lính đã hướng dẫn người dân tỉ mỉ cách cầm cuốc, cầm cày, cách tra hạt, cấy lúa...
Ban ngày, các anh lam lũ, lăn lộn cùng bà con trên đồng ruộng, tối đến, các anh dạy chữ, dạy múa hát và tuyên truyền về cách làm ăn, cách sinh hoạt vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh để mọi người có thêm hiểu biết. Từ già bản đến các em nhỏ đều được khám bệnh, cấp thuốc và hướng dẫn cách phòng bệnh. Các anh còn kiên trì vận động bà con cho trẻ đến trường học, thậm chí sáng ra các anh đến nhà học sinh đưa các em tới lớp.
Những năm đầu mới được Bộ đội Biên phòng kết hợp với chính quyền vận động định canh, định cư, người La Hủ vẫn rất khó buông bỏ tập tục sống của mình. Mặc dù, Đảng bộ và chính quyền các cấp đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đặt mục tiêu xóa đói giảm nghèo toàn diện, bền vững cho người dân với nhiều chương trình đầu tư cơ bản.
Nhưng, do đại bộ phận gia đình La Hủ đã quen lối sống dựa dẫm vào rừng, lại thêm nạn nghiện hút, rượu chè đã khiến cho các bản làng La Hủ càng trở nên tiêu điều, xơ xác. Người La Hủ tự gọi mình là “ngừ sô hả” (có ý nghĩa là “người khổ”).
Nhưng, đó đã là câu chuyện của ngày hôm qua, còn giờ đây, dưới chân ngọn núi Pù Tả Tòng, những dân của bản Nhóm Pố vốn chỉ quen sống dưới mái lá, phương thức lao động chủ yếu là chặt, đốt, cốt, trỉa đã biết trồng cây ngô, cây đậu, nuôi con bò để bữa ăn thêm no, đêm ngủ thêm ấm. Ngày xưa, làm nương rẫy, người La Hủ chỉ dùng bắp ngô, thi thoảng có những mùa gạo nếp.
“Từ ngày được Bộ đội Biên phòng hướng dẫn làm ruộng bậc thang, bà con tự mình cấy lúa, trồng thêm hoa màu và biết giữ giống cho vụ sau. Bưng bát cơm mới dẻo thơm, bà con càng thêm thấm cái ơn sâu của Đảng và cái nghĩa lớn của những người lính biên phòng. Giờ, bà con ở đây cũng đã biết bảo nhau tự bảo vệ nguồn lợi từ rừng, không săn bắn, chặt phá tận diệt nữa rồi. Vì cán bộ bảo phải giữ rừng, để rừng còn che chở cho dân tộc La Hủ và các dân tộc anh em khác …”, ông Lí Mí Sử, trưởng bản Nhóm Pố, hồ hởi chia sẻ.
Nỗ lực hồi sinh
Khi cái đói tạm xa, Đảng bộ, chính quyền và lực lượng vũ trang ở Lai Châu nói chung và Mường Tè nói riêng lại đặt ra cho mình một mục tiêu mới là, làm thế nào để ngôi nhà của người La Hủ không còn những mái lá vàng tạm bợ, giúp cho bà con có được một mái ấm vững chãi để đi về. Có như vậy, bà con sẽ không còn nghĩ tới chuyện dắt díu nhau di cư vào rừng sâu núi thẳm.
Những chiến dịch như “Hướng về biên giới” với mục đích xây dựng nhà Ðại đoàn kết tặng đồng bào La Hủ ở bản Hà Xi (Pa Ủ, Mường Tè) được phát động, thế là đó xóm bản bỗng rộn ràng bước chân của cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng. Bất chấp núi cao rừng vắng, các anh vẫn kỳ cụi cõng từng tấm tôn, viên gạch… lên để dựng nhà cho bà con.
Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của nhân dân cả nước, những người lính Biên phòng đã tạo ra bộ mặt mới cho các bản La Hủ bằng những ngôi Nhà đại đoàn kết. Nhà được lợp bằng tôn mạ màu loại tốt, vách được thưng kiên cố, trong nhà có treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng, cùng nhiều vật dụng gia đình có giá trị như chăn, màn, nồi, xoong, phích nước… giúp các gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống một cách rõ nét.
Ngày tổ chức lễ bàn giao Nhà đại đoàn kết cho các hộ dân cũng là lần đầu tiên trong lịch sử bản giáp biên Hà Xi có lễ chào cờ được tổ chức long trọng. Quốc ca vang ngân vào rừng sâu, người dân Hà Xi không hiểu được nội dung lời hát, nhưng trong không khí trang nghiêm của lễ chào cờ, nhiều người đã lặng đi trong niềm xúc động.
“Có nhà rồi, người La Hủ sẽ không còn lang thang rừng núi nữa, không phải sống với “con ma bệnh tật”. Hơn nữa, Bác Hồ cũng dạy rồi, muốn ấm no hạnh phúc thì phải “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Giờ không còn “giặc ngoại xâm”, còn “giặc đói” và “giặc dốt” thì mình chỉ cần cố gắng là được thôi mà. Mình phải gương mẫu làm trước, rồi đốc thúc con cháu để chúng hăng hái tham gia sản xuất. Có như thế mới ấm no được”, bà Sừng Mỳ Chà, ở bản Hà Xi tâm sự.
Tính đến nay, đã có hàng nghìn hộ dân tộc đặc biệt khó khăn thuộc các dân tộc như La Hủ và Cống, Mảng ở Mường Tè được hỗ trợ làm mới nhà, bảo đảm tiêu chuẩn “3 cứng” theo đề án phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc đặc biệt khó khăn. Nhờ chính sách hỗ trợ này, đồng bào đã cơ bản xóa bỏ nhà tạm, có nhà kiên cố, ổn định, yên tâm lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Cũng chính vì đời sống vật chất được cải thiện như vậy, nên mấy năm gần đây, đời sống về văn hóa, tinh thần của người La Hủ cũng phần nào được cải thiện, các giá trị truyền thống cũng dần được bảo tồn. Từ một cuộc sống gần như đói khổ nhất trong các dân tộc ở miền Bắc, trải qua những lần thay đổi lớn, cuộc sống của người La Hủ giờ đây đã có nhiều đổi mới.
Cuộc sống của những người anh em La Hủ trên vùng đất khuất sau 300 ngọn thác này vẫn còn nhiều gian khó và thách thức ở phía trước. Song, với lòng quyết tâm của mình, cộng với sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội, người La Hủ đang dần thoát ra khỏi bóng tối để làm chủ cuộc đời mình nơi địa đầu Tổ quốc.