Người Việt thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới
Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam hiển thị với màu đỏ sẫm, thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất.
Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân, song số nơi điều trị còn quá ít.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết như trên, thêm rằng "thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất trên bản đồ đột quỵ thế giới". Tính theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm.
Bác sĩ Thắng tính toán, hiện nay, cứ 1 đơn vị đột quỵ ở Việt Nam phải phụ trách trên 2.000 bệnh nhân/năm. Trong khi đó, con số tại Mỹ là 300 bệnh nhân/đơn vị, con số khuyến cáo trong điều kiện lý tưởng là 500 bệnh nhân/đơn vị đột quỵ.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ cần 400 đơn vị đột quỵ trong những năm tới. Hoặc ít ra, phải có khoảng 200 đơn vị để đạt con số 1.000 bệnh nhân/năm/đơn vị đột quỵ”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Việc thành lập các đơn vị đột quỵ với các nhân sự đào tạo chuyên biệt, được xem là chiến lược mang lại lợi ích cho cộng đồng lớn nhất tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, với yêu cầu điều trị càng sớm càng tốt trong những cửa sổ "thời gian vàng", số cơ sở điều trị đột quỵ cần mở rộng theo khoảng cách địa lý, bệnh nhân có thể đến viện trong 60 phút sau khi khởi phát triệu chứng.
Thời gian luôn là yếu tố quan trọng trong điều trị đột quỵ cấp. Tại Việt Nam, đa số bệnh nhân nhập viện muộn, quy trình tiếp nhận ở bệnh viện còn tốn thời gian. Nhiều người dân chưa nhận biết sớm triệu chứng để đưa bệnh nhân vào viện kịp thời. Xe cấp cứu cũng chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người đến viện ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...