Tháo gỡ những "điểm nghẽn" để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập, đồng thời phải tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.
Nguồn nhân lực có chất lượng cao là ưu thế của Thủ đô
Hội thảo khoa học “Góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi)” do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp TP.Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp tổ chức sáng 1/8 nhận được rất nhiều ý kiến góp ý tâm huyết và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học xung quanh 9 nhóm chính sách trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Góp ý vào quy định về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Phạm Trọng Thuật - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá cao Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) 2023 đã có rất nhiều cải tiến so với văn bản hiện hành.
Điều này thể hiện ở việc gia tăng tính chủ động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, quy định cụ thể hơn cho các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, để xây dựng, quy hoạch thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững cần bổ sung thêm các quy định nhằm nâng cao vai trò của cộng đồng tham gia góp ý kiến, giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; quan tâm cải tạo, nâng cấp các khu tập thể cũ mà không làm tăng mật độ dân số.
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù, mà cụ thể hóa là Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngoài việc tuân thủ các Luật liên quan, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có "không gian" rộng hơn, trong đó, có các điều luật về giáo dục - đào tạo thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
GS.TS Nguyễn Văn Minh đề nghị cần chú trọng yếu tố "nguồn lực phát triển Hà Nội". Giáo dục - Đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa. Đồng thời, cần quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nếu chưa đảm bảo về hạ tầng xã hội, trong đó có trường học để "ai ai cũng được học hành". Coi giáo dục đại trà là an sinh xã hội, là ưu việt và bình đẳng xã hội.
Đối với giáo dục mũi nhọn, cần củng cố và phát triển hệ thống trường chuyên, trường thực hành thuộc các trường Đại học. Cùng với đó, Hà Nội là Thành phố có nhiều mối quan hệ quốc tế, có nhiều cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn. Hằng năm, số học sinh du học khá nhiều so với các địa phương khác. Sự liên thông của chương trình để được công nhận với khu vực và quốc tế phải được đặt ra, thay vì thuần túy liên kết với một vài trường nhỏ lẻ. Chương trình đào tạo cũng cần được chuẩn hóa từ nội dung, giảng dạy, kiểm tra, thi cử. Học sinh, sinh viên dù ở đâu, đến học tại trường dù chỉ một lớp, một học phần cũng có thể được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế. Đây là nguồn nhân lực lớn lao, quý giá cần được Luật Thủ đô (sửa đổi) quan tâm phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô...
Cùng quan điểm, GS.TS, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao là ưu thế của Thủ đô, hơn mọi địa phương khác và cần được phát huy từ Luật Thủ đô (sửa đổi).
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay, khung pháp lý của thành phố Hà Nội được thể hiện trong Luật Thủ đô năm 2012 không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã và đang từng bước được hoàn thiện là cần thiết và cần sớm được ban hành để thực thi. Dự thảo Luật Thủ đô đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới với 26 điều luật mới, tương đương với quy mô 27 điều của Luật Thủ đô năm 2012. Trong đó, các nội dung về khoa học công nghệ, đào tạo và nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên được bổ sung nhiều điểm mới và luật hóa trong Dự thảo Luật lần này và khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của đất nước nói chung.
Ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm
Phát biểu tại Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), sáng 1/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, cùng một thời điểm, Hà Nội có 3 nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội). Nếu làm tốt sẽ giúp cho Hà Nội có sự phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn trước mắt, trung hạn, dài hạn.
Đây là 3 việc quan trọng, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, trong quá trình triển khai, cần phải tranh thủ, tận dụng những ý kiến, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các giới, ngành đặc biệt là giới trí thức đến từ các Học viện, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Thủ đô.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 - NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Nghị quyết 15- NQ/TU đã đặt ra mục tiêu đến giai đoạn đến 2030, Hà Nội phải là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, GDP đầu người khoảng 12 - 18 nghìn USA; Là trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Bắc Bộ cũng như cả nước.
Đến năm 2045 phải là TP kết nối toàn cầu với đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất ở mức độ cao, có thu nhập GDP đầu người khoảng 36 nghìn Đô la Mỹ, tương đương với thu nhập của các nước phát triển hiện tại. Nghị quyết 15 - NQ/TU cũng nêu trong giai đoạn từ năm 2011 -2020 có một số hạn chế là Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, chưa làm tốt vai trò là trung tâm, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Có một số điểm nghẽn không những không giải quyết được triệt để mà còn trầm trọng hơn như vấn đề gia tăng dân số cơ học, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng đô thị, xã hội. Trên cơ sở đó, đặt ra yêu cầu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. “Hà Nội có thế mạnh riêng so với các địa phương khác đó là số lượng lớn các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn. Đây là nguồn lực quan trọng để phát huy các thế mạnh, thực hiện tốt sứ mệnh không đơn thuần là Thủ đô hành chính, chính trị mà còn là trung tâm kinh tế lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục đào tạo, hội nhập quốc tế.
Đồng thời những điều khoản trong Luật thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo được cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Hà Nội phát huy thế mạnh, để đóng góp được nhiều hơn nữa cho cả nước”.
Ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, các ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được thành phố Hà Nội, Ban Soạn thảo, các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học, kịp thời hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.