Quảng Ninh: Sẽ có 20.000 việc làm mới và nhà ở xã hội giá rẻ
Ngày 31/7, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh họp cho ý kiến về triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, lao động thu nhập thấp và việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện một số chỉ tiêu liên quan tới giải quyết 20.000 việc làm mới, 50.000 chỗ ở tái định cư.
Quảng Ninh hiện có 3 dự án đã khởi công và dự kiến năm nay sẽ hoàn thành khoảng 1.580 căn hộ, gồm: Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Đông Mai, Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi ngân hàng (TP.Hạ Long) và Dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai (thị xã Quảng Yên).
Khi hoàn thành toàn bộ 3 dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu khoảng 2.250 căn hộ cho người lao động. Dự kiến sẽ có 6 dự án khởi công trong giai đoạn 2023-2024 với tổng số 2.370 căn hộ.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 388 ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, giao chỉ tiêu cho Quảng Ninh tới năm 2030 hoàn thành ít nhất 18.000 căn nhà ở xã hội.
Những năm qua, Quảng Ninh đã chủ động thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp và nhà ở cho lao động thu nhập thấp một cách bài bản, chiến lược, lâu dài, đồng bộ và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế của người lao động thì kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.
Nhằm triển khai nghiêm túc kế hoạch trên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát và phân rõ các dự án đã triển khai, các dự án có chủ trương cho nghiên cứu vị trí quy hoạch, đầu tư nhưng chưa triển khai và cả những vị trí quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, quỹ đất 5%... để công khai, mời gọi thu hút các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là quá trình triển khai đầu tư dự án để người lao động tiếp cận các căn hộ chi phí hợp lý, giá cả phù hợp với khả năng chi trả và không để xảy ra tình trạng đầu cơ.
Đồng thời, ngành than bám sát yêu cầu chung của tỉnh để phát triển nhà ở cho công nhân nhằm cải thiện thực sự đời sống người thợ mỏ, nhất là người ngoại tỉnh; phát triển nhà ở cho công nhân KCN, trong đó địa bàn KKT Quảng Yên là trọng điểm; nhà ở công nhân lao động và người thu nhập thấp tại Cẩm Phả, Uông Bí và Đông Triều.
Mục tiêu tạo ít nhất 20.000 việc làm mới trong năm 2023 là hoàn toàn cơ sở khi Quảng Ninh là địa phương có sự tăng trưởng GRDP cao, gắn liền với đầu tư công, thu hút FDI, phát triển ngành du lịch dịch vụ. Đây là động lực để thu hút nguồn lao động về với tỉnh.
Từ nay đến cuối năm, các ngành, địa phương tăng cường kết nối, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong KCN; kết nối cung-cầu hiệu quả; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo thu hút lao động; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ để thu hút lao động về với tỉnh.
Đối với kế hoạch chuẩn bị 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, đến nay, tổng hợp nhu cầu tái định cư trên địa bàn khoảng 20.759 suất.Trong đó,nhu cầu đến năm 2025 là 8.614 suất, nhu cầu giai đoạn 2026-2030 khoảng 12.145 suất.
Số lượng suất tái định cư trên địa bàn tỉnh đã bố trí khoảng 35.538 suất, trong đó số lượng suất tái định cư đã có quy hoạch chi tiết, đã triển khai đầu tư hạ tầng đến năm 2023 là 8.828 suất, giai đoạn 2024-2025 là 6.863 suất; giai đoạn 2026-2030 là 19.847 suất.