50% dự án triển khai chậm vì vướng thẩm định giá đất
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, hiện có hơn 50% dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do khó xác định phương pháp định giá đất theo giá thị trường.
Bộ Xây dựng nhận định, trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động của thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại.
Thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả các phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Nguyên nhân sụt giảm nguồn cung là do nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất khó xác định đâu là giá "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án), cộng với những khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đất đai...
Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, sau khi nhiều dự án bị thanh tra, việc định giá này càng chậm hơn, có dự án chậm 2-3 năm, thậm chí 10 năm vẫn chưa xác định xong giá đất để triển khai dự án.
GSTS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - chia sẻ, một số năm gần đây, rất nhiều dự án đầu tư không phê duyệt được. Nguyên nhân chính bởi vướng một số vấn đề liên quan đến giá đất. Theo đó, giá đất không xác định được là bao nhiêu, để cơ quan chính quyền địa phương ra quyết định thu tiền và nhà đầu tư thì nộp tiền, khi đó mới ra quyết định giao đất được.
Theo ông Cường, việc định giá đất không chuẩn, có thể do yếu tố chủ quan, cố tình nhưng cũng có thể do khách quan, do thị trường.
Phản ánh của nhiều doanh nghiệp, địa phương cho thấy, phương pháp định giá đất đang là nút thắt lớn nhất quyết định tiến độ triển khai các dự án đầu tư, trong đó có các dự án bất động sản. Nếu có phương pháp đúng, dự án mới triển khai suôn sẻ, nếu không sẽ là một rào cản lớn làm chậm luân chuyển nguồn lực xã hội, kìm hãm phát triển kinh tế.