Phóng sự - Ghi chép

Sức sống mới trên vùng đất ngã ba biên

T. Thành 29/07/2023 - 11:44

Từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn trong kháng chiến, giờ đây, vùng đất ngã ba Đông Dương đang hồi sinh, trỗi bật từng ngày. Từ hoang tàn đổ nát, từ đồng khô cỏ cháy, đồng bào các dân tộc Kinh, K’dong, B’râu... đã và đang chung sức, đồng lòng để phủ lên những tàn tích chiến tranh một màu xanh no ấm.

Một thời khói lửa

Trong kháng chiến chống Mỹ, Kon Tum là địa bàn chiến sự ác liệt nhất vì án ngữ mặt trận Bắc Tây Nguyên, hướng tấn công chủ yếu của bộ đội ta, từ Bắc vào và từ Nam Lào sang. Bởi vậy, trên chiến trường Tây Nguyên diễn ra 10 chiến dịch lớn thì riêng tại Kon Tum đã diễn ra 7 chiến dịch với những địa danh nổi tiếng như: Đắk Tô, Tân Cảnh, Ngọc Tô Ba, Ngọc Rinh Rua, Đắk Xiêng, Bu Prang, Sa Thầy, chiến dịch Bắc Tây Nguyên... Đồng bào các dân tộc ở Kon Tum đã đóng góp rất nhiều sức người, sức của cho kháng chiến.

anh-bai-suc-song-moi-tren-vung-dat-nga-ba-bien-1.jpg
Tượng đài Chiến thắng ở Plây Cần.

Trước đây, nơi này là căn cứ kháng chiến, nhiều căn cứ hậu cần, “là rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Các địa bàn của Kon Tum thời đó cũng được gọi theo mật danh như: H16, H29, H30, H67, H80, riêng TP. Kon Tum có mật danh là H5, vùng Kon Hrung (nay là huyện Đắk Hàn) là H9. Cuối năm 1974, Bộ Chính trị, TƯ Đảng họp phân tích tình hình địch - ta trên chiến trường, từ đó quyết định chớp thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện chủ trương trên, quân và dân Kon Tum đã chuẩn bị về mọi mặt, sức người, sức của cho trận quyết thắng cuối cùng. Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn, cùng với các mặt trận khác, tại Kon Tum, bộ đội địa phương đã phối hợp với lực lượng chủ lực tiến hành đánh chiếm các khu quân sự, khống chế sân bay, tấn công khu cảnh sát dã chiến, trạm tiếp điện Chư Hreng...

Sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, ngày 14/3, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân chiến thuật khỏi địa bàn Tây Nguyên để tử thủ vùng quanh Sài Gòn. Tỉnh trưởng Kon Tum khi đó là Phạm Đình Hùng và bộ máy chính quyền sở tại không hề hay biết. Ngày 15/3, trên đường rút khỏi Tây Nguyên, quân địch bị ta chặn đánh tan tác trên đường 14.

Ngày 16/3/1975, quân giải phóng từ nhiều hướng áp sát thị xã Kon Tum, chiếm quận Đắk Tô, tiếp đó chiếm Tòa thị chính, các vị trí quân sự, chính trị trọng yếu... và toàn bộ tỉnh Kon Tum chính thức được giải phóng. Chiến thắng vang dội này đã góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước.

Thức dậy “vùng đất chết”

Gần nửa thế kỷ sau giải phóng, giờ đến Kon Tum, đặc biệt là ngã ba Đông Dương, nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước đổi thay nhanh chóng của vùng đất đã từng một thời được mệnh danh là “vùng đất chết”. Dọc theo quốc lộ 40 từ Plây Cần (Ngọc Hồi) lên Cửa khẩu Bờ Y vẫn còn những tàn tích chiến tranh, nhưng những hố bom xưa đã được phủ màu xanh của cánh rừng cà phê, cao su, hồ tiêu ngút mắt. Đường sá phong quang, nhà cửa mọc lên san sát, tất cả đã dần xóa đi dấu tích chiến tranh.

Xã biên giới Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, nơi có cột mốc biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Cam Pu Chia, xưa kia chỉ có vài trăm đồng bào, chủ yếu là người B’râu sinh sống. Tuy cuộc sống đói khổ, số lượng dân cư ít ỏi là vậy, nhưng những người dân B’râu hiền lành, thương khó như các già Thao Pem, Thao Linh, Y Pan, đã cùng “đất nước đứng lên” chống lại kẻ thù xâm lược. Những nếp nhà B’râu là nơi che giấu cho bộ đội cách mạng vượt qua bao cuộc truy lùng, tìm diệt gắt gao của giặc; nhiều thanh niên B’râu đã tạm biệt buôn làng để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau ngày đất nước thống nhất, họ trở lại với bản làng mình, trở thành những hạt giống nòng cốt trong việc đưa dân tộc mình vượt qua gian khó.

anh-bai-suc-song-moi-tren-vung-dat-nga-ba-bien-2.jpg
Ngọc Hồi đang phát triển từng ngày

 Chuyện của già Y Pan gợi cho người ta hy vọng về thế hệ những người phụ nữ Brâu tiên tiến. Những chiến sỹ cách mạng hoạt động trên vùng biên giới Việt Lào những năm 40 thế kỷ trước hẳn ít ai ngờ rằng, cô bé mồ côi mà họ nuôi dưỡng khi hoạt động trên đất Mường May (Lào) sẽ trở thành một trí thức của dân tộc mình. Từ nhỏ, già Y Pan đã đi làm liên lạc rồi được tập kết ra Bắc học làm y tá rồi lại trở về phục vụ tại chiến trường B3 (Tây Nguyên).

Sau khi nghỉ hưu, già Y Pan về lại làng bản của mình và bắt tay vào các hoạt động vì cộng đồng như tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, tuyên truyền về những tác hại của hôn nhân cận huyết thống, vận động nếp sống mới, ăn ở vệ sinh văn minh tiến bộ và bảo tồn và phát huy những phong tục tốt.

Già cùng với các đoàn thể của xã, thôn tuyên truyền để bà con thấy cần phải giữ vững an ninh biên phòng nơi vùng biên giới; không nghe lời tuyên truyền xằng bậy của tin lành Đê-ga và luôn giữ gìn sự đoàn kết, hòa hợp các dân tộc cộng cư quanh mình…

Ngày già Y Pan được bầu là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bà con người B’râu và các dân tộc sống nơi ngã ba Đông Dương này tự hào lắm. Tự hào vì một dân tộc chỉ vỏn vẹn vài trăm người mà đại diện được là Ủy viên Trung ương của một tổ chức đoàn kết toàn dân tộc lớn nhất nước. Tự hào bởi già Y Pan đã nói hộ cho lòng người B’râu bằng bài ca “Người B’râu ơn Đảng” mà bà con vẫn hát.

No ấm đang về từng buôn sóc

Trong mấy năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Kon Tum nói chung và Ngọc Hồi nói riêng đã có những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống mọi mặt của người dân. Nhà nước từng bước đầu tư xây dựng trường học, trạm xá, mở mang đường xá, kênh mương, cầu cống để bà con đi lại thuận tiện. Việc học chữ của con em đồng bào đã được đặc biệt quan tâm. Đô thị cũng dần mọc lên trên những hố bom. Các lễ hội truyền thống, đặc sắc đã trở thành cầu nối để đồng bào các dân tộc trong vùng hiểu biết thêm về những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của nhau.

Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, khi Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, hạ tầng khu vực này đã được đầu tư khá mạnh mẽ. Ngoài quốc lộ 40 nối Plây Cần với cửa khẩu Bờ Y - Phu Cưa được nâng cấp, các tuyến đường trên địa bàn xã Bờ Y đã được mở rộng, bê tông hóa đến tận các thôn làng và khu sản xuất của người dân. Đói nghèo được đẩy lùi, rất nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

anh-bai-suc-song-moi-tren-vung-dat-nga-ba-bien-3.jpg
Lễ hội cồng chiêng - một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Kon Tum nói chung, Ngọc Hồi nói riêng.

Bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, để vùng đất ngã ba biên có bước phát triển vượt bậc trên tất cả mọi mặt như ngày hôm nay phải kể đến sự chung sức, đồng lòng của đồng bào. Họ đã tưới mồ hôi và cả máu xuống mảnh đất thiêng để phủ xanh những ngọn đồi cỏ cháy.

Và, cũng không thể không nhắc tới công lao của những già làng như Thao Pem, Thao Linh, Y Pan… Họ thực sự là những “cây đại thụ” của “vùng đất lửa”. Như cánh chim không mỏi, họ đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi thói quen, tập quán cũng như nhận thức của đồng bào nơi biên viễn.

Vùng ngã ba biên giới Đông Dương không chỉ có Bờ Y mà các xã Đác Xú, Đắc Dục, Đác Nông cũng đang vươn dậy không ngừng. Với lợi thế là điểm kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, từ Thái Lan, Cam Pu Chia và các tỉnh nằm phía Nam của Lào với các khu kinh tế miền trung, tỉnh Kon Tum xác định Ngọc Hồi - Bờ Y là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Bờ Y - Ngọc Hồi đã và đang tận dụng lợi thế từ khu kinh tế cửa khẩu quốc tế để đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thương mại dịch vụ và lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai rộng, màu mỡ để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và phát triển du lịch. Xây dựng vùng trọng điểm Ngọc Hồi phát triển làm động lực kinh tế cho cả tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn Ngọc Hồi đã trồng được hàng vạn ha caosu, cà phê, bời lời... Một số nhà máy chế biến nông sản như nhà máy tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất cà phê bột đã được thành lập, bảo đảm phần bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Đời sống người dân vùng biên giới Ngọc Hồi đang từng ngày khởi sắc. Hiện 100% xã có đường nhựa đến trụ sở UBND xã; 100% xã cơ bản có hệ thống thủy lợi đáp ứng đủ nhu cầu về tưới tiêu trong sản xuất; 100% số xã, thôn có điện lưới; 100% thôn, làng có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Chiến tranh đã qua, núi rừng nơi vùng đất ngã ba biên bình yên xanh như chưa từng qua cơn binh lửa. Suối Đăk Mế vẫn ngày đêm lặng lẽ uốn mình vòng quanh các buôn sóc thanh bình của bà con Kinh, K’dong, B’râu... rồi nhập về sông Pô Kô. Nơi đây không còn cảnh tiêu sơ ngày cũ mà luôn xanh tươi mướt mát những tiêu, điều, cao su, ngô, mía cùng những ruộng vườn trù phú của đồng bào.

Nhìn dòng suối nhỏ lững lờ, khoan thai chảy như có như không giữa êm đềm bờ bãi, không ai nghĩ rằng đây đã từng là “con đường thủy vận” đầy khốc liệt, chuyên chở thương binh và nhu yếu phẩm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa. Đăk Mế hồi sinh, Bờ Y, Ngọc Hồi cũng hồi sinh, no ấm đã và đang về với vùng đất ngã ba biên.

T. Thành