Tăng tốc triển khai nhà ở xã hội
Tại nhiều địa phương, các kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà giá bình dân đang được đẩy nhanh và đến nay nhiều dự án nhà ở xã hội kỳ vọng sẽ giúp người dân an cư lạc nghiệp.
Nhiều tỉnh thành đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ với các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; cũng như thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến 2030. Nhiều tín hiệu tích cực đã được ghi nhận. Hiện cả nước có 418 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai, với quy mô xây dựng hơn 430.000 căn.
Điển hình, Dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại tỉnh Quảng Ninh được đầu tư đồng bộ hạ tầng, tiện ích đầy đủ như công viên cây xanh, trường mầm non, phòng khám, hiệu thuốc... Đặc biệt, giá bán chỉ từ 7,1 triệu đồng/m2, tức giá một căn hộ chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho đối tượng công nhân và chuyên gia, giúp người lao động "an cư lạc nghiệp".
Không chỉ Quảng Ninh lấy phát triển nhà ở xã hội làm một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhiều thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi mà nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, cũng đang thực hiện theo đúng tinh thần đó của Nghị quyết 33.
Nhiều doanh nghiệp đầu ngành địa ốc đang nắn dòng tín dụng về phân khúc nhà giá rẻ, mức giá phù hợp với thu nhập và nhu cầu ở thực của người lao động. Giá xấp xỉ tạm tính khoảng 16,17 triệu/m2. Đặc điểm là ngoài chất lượng thì cư dân của khu nhà ở xã hội còn được tận hưởng toàn bộ hạ tầng của khu đô thị hiện đại.
Để thực hiện hoá Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay tới 2030 của Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổng hợp 87 khu đất hoặc dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Còn TP. Hà Nội nỗ lực tới 2025 sẽ có 12.000 căn nhà ở xã hội bán ra thị trường.
Chỉ từ đầu năm tới nay, phân khúc nhà ở xã hội "tạo sóng" khi nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đầu ngành liên tục công bố tham gia thị trường này.
Tại TP. Hà Nội, ngay từ khâu lập quy hoạch các phân khu chức năng, các quận huyện cũng phải xác định rõ quỹ đất bố trí cho nhà ở xã hội tới từng dự án. Như quận Long Biên đã rà soát 5 dự án và 5 dự án này đều được thành phố chấp thuận để lại quỹ đất 25% theo Nghị quyết HĐND thành phố, tức cao hơn 5% so với Nghị quyết 49 của Chính phủ. Toàn bộ quỹ đất này hiện nay đã được thành phố quyết định phê duyệt làm đất cho nhà ở xã hội.
Mới đây, TP. Hồ Chí Minh ngoài cắt giảm thủ tục hành chính đã đôn đốc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%, nếu không thực hiện đúng tiến độ sẽ thu hồi và giao cho chủ đầu tư khác. Nhiều tỉnh thành cũng rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ vay vốn của các dự án.
Dự báo, khi các thủ tục hành chính cắt giảm, nguồn vốn 120.000 tỷ đồng đủ ngấm vào phân khúc nhà ở xã hội, thì các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ cơ bản đáp ứng được khoảng gần 80% nhu cầu về nhà ở xã hội từ nay tới 2025.