Gìn giữ văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái
Anh Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có đồng bào dân tộc Thái sống tập trung ở 8 xã, 23 thôn, bản với hơn 2.000 hộ, 8.400 nhân khẩu chiếm gần 8% dân số toàn huyện. Cùng với những nét văn hoá đặc sắc, trang phục độc đáo thì những món ẩm thực truyền thống của người Thái nơi đây cũng tạo nên những nét đặc sắc riêng biệt và được lưu giữ cho đến ngày nay.
Đồng bào Thái ở Anh Sơn (Nghệ An) được thiên nhiên ưu đãi có dòng sông Giăng, sông Con...là nơi sản sinh và phát triển của các loài cá đặc sản như cá mát, cá ghé, tôm sông. Chưa kể, nơi đây còn được bao bọc bởi núi rừng, nên đa dạng các sản vật của núi rừng như: Măng nứa, rau rừng, rêu đá...
Từ nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc núi rừng, từ bao đời nay người Thái ở Anh Sơn đã gìn giữ, trao truyền các món ăn độc đáo. Nếu có dịp dừng chân ở bản làng của người Thái ở Anh Sơn, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn được chính bàn tay của những người phụ nữ Thái chế biến công phu, hấp dẫn và có vị ngon đậm đà.
Bà Lang Thị Hương ở bản Cao Vều 2, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) tự hào chia sẻ: "Nói đến văn hóa đồng bào dân tộc Thái ở Anh Sơn phải kể đến những đặc trưng trong văn hóa ẩm thực rất riêng. Từ các loại thực phẩm phong phú nhưng rất dân dã, những người phụ nữ Thái đã chế biến thành những món ăn đặc trưng của dân tộc mình. Để lưu giữ giá trị của những món ăn của đồng bào Thái, tôi luôn dành thời gian truyền dạy cho con cháu trong bản cách chế biến món ăn của dân tộc mình.”
Theo những người phụ nữ lớn tuổi ở bản, trong những món ẩm thực của người Thái thì món xôi ngũ sắc là nổi tiếng nhất. Nó không chỉ thơm ngon từ vị giác với sự béo ngậy của hạt nếp, thơm của lá nếp mà còn thỏa mãn thị giác với những màu sắc đẹp lung linh mà nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, từ các loại lá, mang đặc trưng riêng của người Thái.
Bên cạnh đó, món cơm lam, không chỉ là món ăn cổ truyền mà còn là món ăn linh thiêng gắn với văn hóa tộc người Thái bởi theo tín ngưỡng dân gian, nó gắn với mỗi vòng đời của con người. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị ngọt của ống nứa, vị thanh thanh của lá chuối, mùi của khói bếp lửa... khiến món ăn này trở nên quyến rũ lòng người, ai đã thưởng thức một lần chắc khó có thể quên.
Hộ gia đình chị Trần Thị Mai ở bản Cao Vều 1 xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) nổi tiếng cả vùng biên giới vì thành công trong việc làm du lịch cộng đồng từ các món ẩm thực của ngưới Thái. Tất cả các thành viên trong gia đình chị đều có những hiểu biết về văn hóa ẩm thực dân tộc Thái và khi có khách du lịch đến lưu trú tại gia đình, ai cũng chế biến được những món ngon này để phục vụ du khách.
Chị Phạm Thị Hường, chủ tịch hội LHPN xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: Phúc Sơn là xã miền núi của huyện, có 5 bản đồng bào dân tộc Thái sinh sống, những năm gần đây địa phương luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Thái, trong đó có các văn hoá ẩm thực.
Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Anh Sơn luôn quan tâm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, đặc biệt là văn hoá ẩm thực, nhằm phát triển kinh tế xã hội địa phương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực truyền thống đồng bào Thái được huyện Anh Sơn chỉ đạo các địa phương tổ chức hàng năm gắn liền với các hoạt động, lễ hội như: Thi nấu ăn các món đồng bào Thái tại ngày hội xuân ở vùng biên Cao Vều; lễ hội mừng lúa mới tại bản Bộng Thành Sơn và các ngày lễ tết tại các bản đồng bào Thái…
Đối với Anh Sơn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.