Xã hội

Dân vận khéo từ ý Đảng hợp lòng dân

Hải Yến - Cẩm Tú 28/07/2023 - 09:38

Linh hoạt, sáng tạo, gần dân, sát cơ sở, Ban chỉ đạo phong trào thi đua dân vận khéo huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã phối hợp xây dựng các mô hình dân vận tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, bản làng khởi sắc.

Về xóm Nghĩa Thành, xã vùng cao Tân Hợp, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vào những ngày hè oi bức, đúng dịp bà con nơi đây đang hồ hởi, người thì cuốc, xẻng, người thì chổi, hăng hái quét dọn, đắp lề đoạn đường vừa được đổ bê tông. Đây là đoạn đường “đại đoàn kết” do Ban chỉ đạo phong trào thi đua dân vận khéo huyện Tân Kỳ phối hợp với xã Tân Hợp thực hiện.

Hiện xóm có 123 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Thổ chiếm tới 99%, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 30%).

Là địa phương nằm cách trung tâm xã 7km, địa hình nhiều đồi núi dốc, chia tách các khu dân cư, hệ thống đường giao thông không thuận lợi dẫn đến việc đi lại, phát triển kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền xã Tân Hợp nhận thấy sự cần thiết xây dựng đường bê tông nên đã thống nhất đăng ký thực hiện công trình đường bê tông "đại đoàn kết” vùng đồng bào dân tộc tại xóm Nghĩa Thành với Ban Chỉ đạo “Dân vận khéo” huyện Tân Kỳ.

Ông Nguyễn Ngọc Lịch, Bí thư Chi bộ xóm Nghĩa Thành, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ cho biết: “Sau khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước triển khai, đặc biệt là chương trình dân vận khéo, chúng tôi triển khai ra chi bộ rồi họp xóm và nhận được sự đồng tình rất cao, thu mỗi khẩu 200 nghìn đồng”.

dan_van_kheo_1.jpg
Bà con xóm Nghĩa Thành đang cùng nhau đắp lề đường.

Để thực hiện công trình đường bê tông “đại đoàn kết”, Ban chỉ đạo phong trào thi đua dân vận khéo huyện Tân Kỳ đã hỗ trợ 100 tấn xi măng; cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tân Hợp hỗ trợ 20 triệu đồng cùng với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; sự nỗ lực cố gắng của chi ủy, ban cán sự xóm và sự đóng góp ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân xóm Nghĩa Thành để triển khai thực hiện hoàn thành công trình với tổng chiều dài 560m, chiều rộng đổ bê tông 3m, độ dày 20cm.

Tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ, xã Nghĩa Dũng, nơi có 354 hộ dân, trong đó có 346 hộ dân tộc thiểu số, xóm có địa hình phức tạp với nhiều khe suối, ngầm tràn chia cắt ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân, đặc biệt là mất an toàn cho các em học sinh đến trường trong mùa mưa lũ.

dan_van_kheo_2.jpg
Bà con phấn khởi vui bước trên con đường bê tông vừa được làm xong.

Nhận thấy sự cần thiết phải có con đường tránh lũ để bà con nhân dân cũng như các em học sinh đi lại an toàn, thuận lợi hơn mỗi khi mưa lũ về, đầu năm 2023, Ban chỉ đạo phong trào thi đua dân vận khéo huyện Tân Kỳ đã phối hợp với xã Nghĩa Dũng thực hiện mô hình làm tuyến đường bê tông dân sinh tránh lũ “Nâng bước em tới trường” tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ.

Đoạn đường thi công có chiều dài 400m với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng được huy động từ nguồn hỗ trợ của huyện, vận động xã hội hóa của nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong và ngoài địa bàn xã và từ các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

Ông Ngân Văn Tân, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Kho Đồng Thờ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ cho biết: “Bước đầu chi bộ xác định những cán bộ Đảng viên, trước hết là trong Chi ủy gương mẫu đi trước làm trước, đóng góp trước, từ đó động viên tuyên truyền người thân, nhân dân đồng thuận để cùng hoàn thiện đoạn đường bê tông”.

dan_van_kheo_3.jpg
Tuyến đường dân vận khéo đại đoàn kết vừa hoàn thành.

Từ hai mô hình dân vận khéo trên, thêm minh chứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã thực sự đi vào đời sống của nhân dân và gắn kết chặt chẽ với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Thông qua phong trào, rất nhiều mô hình "Dân vận khéo" đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phong cách dân vận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, theo phương châm "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm"; "sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân".

Ông Phan Sỹ Cường, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An khẳng định: “Xây dựng các mô hình dân vận khéo là chất keo kết dính cộng đồng dân cư, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống cho nhân dân. Các mô hình trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định “ý Đảng hợp lòng dân”, góp phần đưa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, củng cố, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.

Hải Yến - Cẩm Tú