Cơ sở chế biến lâm sản đùa với “bà hỏa” và gây ô nhiễm
Đời sống - Ngày đăng : 23:23, 27/01/2015
Không những thế, trong một lần chạy hỏa hoạn, đơn vị này còn bốc nhiều vật liệu dễ cháy tập kết ngay khuôn viên cây xăng, điều này khiến nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chúng tôi được ông Hà Ánh Dương, phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương dẫn đường tới cơ sở chế biến lâm sản được đăng ký với tên Dương Văn Tuấn.
Ông Dương Văn Trường, người quản lý cơ sở chế biến lâm sản cho biết: "Diện tích đang sử dụng hơn 4.000m2, được UBND huyện Thiệu Hóa cho thuê 50 năm (từ năm 2010 đến năm 2060), với mục đích xây dựng xưởng sản xuất cót ép và xưởng mộc dân dụng tại xã Thiệu Dương".
Nguyên liệu chế biến của cơ sở đều là chất thải của các công ty chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh cung cấp, mỗi tháng từ 5 đến 7 chục tấn, chế biến ra tăm, hương và củi ép. Lò đốt được đưa vào vận hành có hệ thống dập bằng hệ thống nước, khói bụi là không đáng kể.
Các cơ quan cũng đã kiểm tra, nhắc nhở vài lần nhưng không xử phạt. Còn hỏa hoạn thì đã xảy ra nhiều vụ cháy nhỏ, đầu năm 2014 một vụ cháy lớn thiêu rụi toàn bộ một khu nhà, may mà không thiệt hại về người.
Máy hàn, mài vẫn vô tư hoạt động gần các chất dễ cháy
Theo quan sát của PV, bước chân vào khu vực xưởng sản xuất mọi người sẽ bị rối mắt bởi nhìn đâu cũng thấy nguyên liệu, mùn cưa, bùi nhùi bày la liệt.
Tất cả công nhân đều không hề có thiết bị bảo hộ lao động, gần đó là chiếc lò đốt thủ công, các loại phế phẩm được đưa vào lò cháy trực tiếp, hôm nào thuận gió thì khói, tàn lửa bay khắp nơi, tìm mãi khắp xưởng không thấy một chiếc bình phòng cháy, chữa cháy.
Ngay trong khuôn viên nhà xưởng, các nhân viên hàn, mài các thiết bị kim loại vẫn miệt mài làm việc. Trong khi đó, với điều kiện thời tiết hanh khô như hiện nay, chỉ cần một tàn lửa bay lạc, chắc chắn hỏa hoạn sẽ xảy ra. Đây là khu vực núi đá nên nguồn nước không có nên hậu quả rất khó lường.
Lò đốt thủ công không đảm bảo và gây ô nhiễm
Theo phản ánh của các hộ dân thôn 8, cứ vào thời điểm chiều tối và sáng sớm thì lò đốt lại hoạt động hết công suất, gây khói bụi, bốc mùi khét lẹt xông lên nồng nặc, không ít người đã mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp.
Không những thế, nguồn nguyên liệu chế biến của cơ sở đổ vương vãi khắp nơi ra cả ngoài đường, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Trời nắng thì bụi bay mù mịt, trời mưa thì nước chảy tràn lan gây ô nhiễm môi trường.
Điều lạ lùng, trong suốt một thời gian dài cơ sở chế biến này không hề thực hiện cam kết bảo vệ môi trường do cấp có thẩm quyền phê duyệt, không thực hiện giám sát môi trường hàng năm theo quy định, chưa có biện pháp xử lý khói bụi của lò đốt, chưa đăng ký xả ra môi trường...song vẫn ngang nhiên hoạt động, mà không hề bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Cây xăng nằm cách đó không xa, trong khuôn viên cũng chất đầy vật liệu dễ cháy
Trao đổi với PV, ông Ngô Quốc Huy Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa) cho biết: “Chính quyền địa phương đã nhận được phản ánh của các hộ dân về tình trạng ô nhiễm tại cơ sở chế biến lâm sản này trong thời gian dài.
Tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở đều chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác cháy nổ. Tôi mới về nhận nhiệm vụ tại đây hơn 1 tháng, khi kiểm tra hồ sơ lưu chỉ thấy kiểm tra sơ qua mà không tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời gian sớm nhất UBND xã sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo lên Thành phố để xử lý dứt điểm.
“Cẩn tắc vô ưu”, một cơ sở chế biến lâm sản, toàn vật liệu dễ cháy, sử dụng lò đốt thủ công và đã xảy ra hảo hoạn nhiều lần mà nằm ngay cây xăng thì quá nguy hiểm".