Đời sống

“Đền ơn đáp nghĩa”: Trách nhiệm từ trái tim

Nguyễn Liên 27/07/2023 - 15:18

Tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang… Những nơi Bác Hồ lựa chọn xây dựng chiến khu Việt Bắc lịch sử, trong những năm qua đã và đang làm rất tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” với trách nhiệm, tình cảm từ trái tim.

Tỉnh Cao Bằng là nơi Bác Hồ lựa chọn đầu tiên sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về nước. Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm công tác “đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng, chung tay thực hiện tốt công tác chăm lo người có công

tp-tri-an.jpg
ct-anh-tang-qua.jpg
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm người có công trên địa bàn tỉnh

Chia sẻ về công tác người có công trên địa bàn bà Hoàng Thị Mỹ Hảo, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh khẳng định, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác chăm lo người có công, gia đình chính sách.

Các chế độ trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở được thực hiện đầy đủ, chính xác và kịp thời. Từ năm 2022 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đã chi trả đầy đủ các khoản trợ cấp cho 4.323 người có công, với tổng số tiền hơn 153 tỷ đồng. Trong tháng 6/2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức đoàn thân nhân liệt sĩ đến dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến các chính sách về ưu đãi người có công với cách mạng.

Thông qua các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, chăm lo, tri ân người có công với cách mạng, cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Cao Bằng đã góp phần làm tỏa sáng truyền thống "Đền ơn đáp nghĩa", đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc; đồng thời góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Thái Nguyên- Thủ đô kháng chiến nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng xây dựng chiến khu Việt Bắc. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, việc chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được các cấp, ngành và đông đảo nhân dân tỉnh Thái Nguyên tích cực thực hiện. Từ đó kịp thời động viên, tạo điều kiện cho gia đình người có có công từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống

hung-ct.jpg
Chủ tịch UBND Tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng thăm tặng quà nhân dịp 76 năm Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 (ảnh CTTĐT Thái Nguyên)

Hiện nay, Thái Nguyên đang quản lý trên 130.000 hồ sơ người có công (chiếm trên 11% dân số), với hơn 10.000 liệt sĩ, trên 93.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương; hơn 12.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; hơn 2.600 bệnh binh, trên 13.500 người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học; khoảng 300 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; 3.500 cán bộ lão thành, tiền khởi nghĩa và người có công với cách mạng. Đặc biệt, toàn tỉnh có 582 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 17 mẹ còn sống).

Tính từ năm 2018 đến năm 2022, toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 38 tỷ đồng, trong đó sửa chữa 81 công trình ghi công liệt sĩ trị giá trên 35,7 tỷ đồng; hỗ trợ làm nhà ở cho 125 người có công với kinh phí gần 7,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, tạo việc làm cho bản thân và con em gia đình chính sách. Qua đó giúp hàng nghìn người được chăm sóc sức khỏe, có nghề nghiệp và việc làm ổn định, cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Tỉnh Tuyên Quang, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách đối với người có công, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Toàn tỉnh hiện có trên 6.900 người có công được chăm sóc và hưởng chính sách ưu đãi kịp thời. 5 năm qua tỉnh đã trao tặng gần 87 nghìn suất quà của Chủ tịch nước, của tỉnh đối với người có công vào các ngày lễ, Tết, ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7. Toàn tỉnh đã và đang xây mới, sửa chữa, nâng cấp 14 công trình ghi công liệt sĩ với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng..

Tỉnh Bắc Kạn- là một trong những cái nôi của cách mạng, trong các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Bắc Kạn đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Nay đất nước hòa bình, hội nhập và phát triển, việc chăm lo cho người có công và gia đình ngày càng được quan tâm chú trọng

dsc-2755-8877.jpg
Đồng chí Hoàng Duy Chinh Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho bà Lường Thị Liệu, mẹ liệt sĩ ở thôn Bản Kéo, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 8.436 hộ người có công với cách mạng. Trong đó hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là người có công chiếm 355 hộ. Số hồ sơ người có công và các đối tượng khác đang được Sở quản lý là 33.003 hồ sơ. Số người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng là 2.974 người.

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua công tác đền ơn đáp nghĩa được các cấp, ngành và Nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và các đối tượng chính sách được triển khai hiệu quả, kịp thời, đúng quy định.

Tỉnh Lạng Sơn, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn đã thường xuyên quan tâm, tập trung triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" toàn tỉnh Lạng Sơn thu được trên 8.235 triệu đồng, đã thực hiện hỗ trợ xây mới và sửa chữa 128 nhà cho người có công, với kinh phí là 5.166 triệu đồng; tặng 242 sổ tiết kiệm với kinh phí là 361 triệu đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh không có hộ người có công ở nhà tạm, nhà dột nát, việc xây dựng và sửa chữa nhà ở của hộ người có công được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 4.246 hộ, trong đó: 1.939 hộ xây mới và 2.308 hộ sửa chữa, tổng kinh phí chi từ ngân sách Trung ương là 119.689 triệu đồng. Trong 02 năm 2021 - 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở đối với 1.202 hộ người có công, trong đó xây mới: 454 hộ, sửa chữa 748 hộ, tổng kinh phí là 33.120 triệu đồng được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh; đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh không còn hộ người có công phải ở nhà tạm, nhà dột nát…..

Tỉnh Hà Giang- nơi địa đầu Tổ quốc, tháng 7 về từng đoàn xe nối đuôi nhau cùng hướng về nghĩa trang Vị Xuyên. Vị Xuyên ngày ấy được ví là "lò vôi thế kỷ"- nơi chiến trường ác liệt bảo vệ biên giới phía Bắc trong suốt 10 năm (1979-1989) với lời thề “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”... Và ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Hà Giang phát huy truyền thống anh hùng, quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

a12(1).jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng quà gia đình Thương binh Vừ Mí Chá, cư trú thôn Chúng Pả B, xã Phố Cáo.

Theo ghi nhận, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã đóng góp, xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được trên 12,37 tỷ đồng; xây mới 52 nhà tình nghĩa, trị giá 2,784 tỷ đồng; sửa chữa, xây mới 59 nhà, giá trị gần 900 triệu đồng. Trong tỉnh có 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng được một số cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời; các cơ quan, đơn vị đã tặng 324 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá trên 489 triệu đồng. Thực hiện phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác chăm lo cho thương, bệnh binh, liệt sỹ, người có công, toàn tỉnh có 186/195 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công. 98% số hộ chính sách có mức sống bằng hoặc hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Tiêu biểu trong phong trào này là các huyện: Mèo Vạc, Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình và T.P Hà Giang.    

Song song với việc xã hội hóa công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, những năm qua, triển khai nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Sở phối hợp với các đơn vị, các cơ quan báo chí, thông tin và truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định thông tin liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ.

“Đền ơn đáp nghĩa” là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nghĩa cử tri ân, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm xuất phát từ trái tim mỗi người. 

Nguyễn Liên