Vợ liệt sĩ gần nửa thế kỷ thủ tiết thờ chồng nuôi con
Sau lời quả quyết “đời em chỉ lấy một lần chồng”, bà Nguyễn Thị Lương luôn một lòng chung thủy chờ chồng. Ngay cả khi đã nhận được giấy báo tử của chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền, người vợ ấy vẫn một mình vò võ nuôi con “thủ tiết thờ chồng”.
Hàng năm, cứ đến những ngày tháng 7 lịch sử, lòng bà Nguyễn Thị Lương (76 tuổi) ở phường Đội Cung, TP Vinh (Nghệ An), lại bùi ngùi xúc động khi nhớ đến người chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, vết thương lòng cũng đã nguôi ngoai phần nào nhưng ký ức về tình yêu của bà đối với người chồng liệt sĩ vẫn nồng nàn như xưa.
Tình yêu của chàng trai Nguyễn Văn Kiền (SN 1946, quê xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An) và cô gái Nguyễn Thị Lương chính thức nảy nở vào năm 1969 khi hai người tham gia học lớp Chi ủy viên do Thành ủy Vinh tổ chức.
Từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, chàng trai quê Nam Cát đã có cái nhìn cảm mến cô gái đẹp người, đẹp nết. Chỉ sau vài lần gặp gỡ, anh Kiền chủ động ngỏ lời yêu chị Lương và nhận được sự đồng ý của cô gái trẻ.
Tháng 7/1970, một đám cưới giản dị, ấm cúng được tổ chức với sự chúc phúc của hai bên gia đình và bạn bè đồng nghiệp. Dù về chung một nhà nhưng bà Lương chia sẻ, họ chỉ có mấy ngày được sống đúng nghĩa vợ chồng khi hai người không có nhà riêng, mỗi người ở phòng tập thể của cơ quan. Từ những lần gặp nhau đếm trên đầu ngón tay ấy, bà Lương đã mang thai đứa con đầu lòng.
Nhưng niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng son lại quá ngắn ngủi khi chồng phải lên đường chiến đấu. Cho đến bây giờ, bà Lương vẫn nhớ lời dặn của chồng trước khi lên đường rằng “nếu anh đi 10 năm chưa về thì em hãy đi lấy chồng”. Bà nhớ lại: “Nghe xong, tôi giận lắm nên nói “em chỉ lấy chồng một lần thôi, anh cứ yên tâm chiến đấu và sớm trở về...”.
Đến tháng 7/1971, bà Lương sinh con đầu lòng đặt tên là Nguyễn Thị Thu Hiền mà không có chồng bên cạnh. Mãi 3 tháng sau, ông mới kịp tranh thủ ghé về nhà thăm vợ con trước khi hành quân vào miền Nam công tác, chiến đấu tại Tiểu đoàn 16, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh. Đó là lần đầu tiên ông được gặp con, được bế đứa con gái bé bỏng trên tay cho thỏa nỗi nhớ thương của người cha.
Nghỉ phép với vợ con ít ngày, ông lại lên đường làm nhiệm vụ còn bà Lương quay lại với công việc thường nhật, vừa làm việc, vừa chăm con. Vất vả trăm bề nhưng người phụ nữ ấy luôn tự động viên bản thân cố gắng chu toàn công việc, nuôi con và chờ chồng…
Trong suốt thời gian dài chồng đi chiến đấu, hai vợ chồng đã gửi gắm niềm nhớ thương qua những bức thư. Gần 30 bức thư là tình cảm, niềm nhớ nhung gửi đến vợ con. Trong một lá thư có đoạn: “Em à, đến nay, anh tính con sinh được 1 tháng 3 ngày. Anh cứ mong sao cho mẹ con khỏe, đến khoảng 3,4 tháng em chụp ảnh để gửi cho anh nhé. Anh nhớ con quá… Nhớ có khi ban đêm phát khóc”.
Giữa lúc mưa bom bão đạn, người lính trẻ mang trên mình trọng trách lớn luôn khao khát được sống yên bình bên vợ con, được chăm sóc, ôm ấp con. “Con ơi, con à! Ba rất muốn sống gần con, để nuôi con, để chăm con, để con mau lớn nhưng không thể được. Ba phải đi đánh Mỹ con nhé, con ngoan”, trích thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền gửi cho vợ con.
Trong những bức thư gửi về cho người vợ trẻ, người chiến sỹ ấy không quên dặn dò: “Chẳng ai muốn xa vợ, xa con làm gì. Anh cũng muốn thực hiện ước mơ của cái hạnh phúc vợ chồng… Anh vào tiền tuyến, em ở lại hậu phương, cố gắng công tác đảm nhiệm nuôi con thay anh. Nuôi con khỏe, dạy con ngoan đợi ngày hết giặc anh lại về sum họp”.
Thế nhưng, lời hứa hẹn về ngày gia đình đoàn tụ của người chiến sỹ ấy đã mãi mãi không thực hiện được. Ngày 29/4/1975, chiến sỹ Nguyễn Văn Kiền đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tại tỉnh Tây Ninh. Đáng nói, chiến sỹ Kiền hy sinh khi chỉ còn đúng 1 ngày nữa là giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Đến năm 1976, bà Lương nhận được giấy báo tử. Nhiều năm sau đó, góa phụ trẻ vẫn một mình nuôi con, thờ chồng dù không ít người cảm mến, có ý đi bước nữa.
Tuy vậy, bà chỉ lắc đầu từ chối và cho biết sẽ sống trọn nghĩa tình với chồng mà trước đó từng hứa “đời tôi chỉ một lần lấy chồng”. Đến năm 2009, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội cũ, gia đình bà đã tìm được phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền.
Mới đây, gia đình bà Nguyễn Thị Lương quyết định trao tặng hiện vật là 10 bức thư mà liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền viết trong quá trình chiến đấu ở chiến trường gửi về cho vợ, con cho Bảo tàng Quân khu 4. Những bức thư có giá trị lịch sử sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.