Vị tướng bước ra từ “Phú Riềng đỏ”
Từ một cậu thiếu niên phải sống nương nhờ trong nhà thờ, Chủng viện, ông đã được giác ngộ cách mạng để rồi trở thành người tiên phong trong các phong trào đấu tranh của công nhân ở Phú Riềng, rồi sau đó lại tiếp tục lãnh đạo quần chúng chiếm Phủ Khâm sai và các cơ quan chính quyền tay sai trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Thủ đô Hà Nội.
Ông là Thiếu tướng Trần Tử Bình, 1 trong số 11 người được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Lớn lên từ Chủng viện
Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu, sinh ngày 5/5/1907, trong một gia đình nông dân công giáo tại thôn Ðồng Chuối, xã Tiêu Ðộng, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Trong suốt những năm tháng thời niên thiếu, ông phải sống trong nghèo khó. Khi chiến tranh thế giới lần thứ I bùng nổ, cha bị bắt lính sang Pháp, ông phải sống nương nhờ ở nhà thờ. Do học hành sáng dạ, sớm biết đọc biết viết nên năm 1925, ông được giới thiệu vào học tại Chủng viện Hoàng Nguyên (giáo phận Hà Ðông).
Tại Chủng viện, được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, ông tích cực tham gia vào các hoạt động phản đối sự miệt thị của các linh mục người Pháp với linh mục người Việt. Cuối năm 1925, cả nước có phong trào đấu tranh đòi Pháp thả cụ Phan Bội Châu rồi tháng 4/1926 có phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh. Vì được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, ông được giác ngộ tinh thần yêu nước và cầm đầu nhóm chúng sinh của Chủng viện ủng hộ 2 cụ Phan. Việc làm này trái ý các cha nên ông bị buộc phải thôi học.
Từ ngày thôi học, nhờ biết chữ và có kiến thức về Kinh Thánh, nên Phạm Văn Phu đã đi giảng Đạo để kiếm sống. Trong những tháng ngày ấy, hương sư Vĩnh Trị - một nhà giáo yêu nước đã giới thiệu ông với nhà cách mạng Tống Văn Trân. Được giác ngộ về đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, năm 1927, từ khu Hạ Lý (Hải Phòng), Phạm Văn Phu lên tàu vào Nam, tham gia “vô sản hóa” và trở thành công nhân đồn điền cao su Phú Riềng của Công ty cao su Michelin.
Ở đồn điền Phú Riềng, đội ngũ công nhân phần lớn là những lớp phu phen được tuyển mộ từ miền trung và miền bắc. Từ cuối năm 1927 đến đầu năm 1928, họ đã có những cuộc đấu tranh, tuy không mang lại kết quả nhưng gây chấn động dư luận. Thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, đồn điền Phú Riềng được chọn là một trong ba trọng điểm xây dựng cơ sở ở Nam Kỳ (cùng Xưởng đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn và Vĩnh Kim ở Mỹ Tho).
Trong các cuộc đấu tranh với giới chủ gây xôn xao dư luận báo chí Nam Kỳ thời đó như: chống đánh đập, cúp lương, bảo đảm các quyền lợi theo giao kèo…, Phạm Văn Phu luôn là người tham gia nhiệt tình, hăng hái. Thời điểm đó, theo hợp đồng của giới công nhân với chủ thầu, tiền ăn mỗi người 2 xu một bữa, nhưng do bị bòn rút nên tính ra chỉ được 1 xu. Hầu hết anh em phu đều mù chữ nên những bản hợp đồng in sẵn – như những chiếc thòng lọng, do bọn chủ đưa ra để họ điểm chỉ và họ đã vô tình bán đứt tự do, thậm chí cả tính mạng của mình cho chủ cao su.
Một số anh em khác còn bị bọn cai thầu ăn chặn tiền tạm ứng, 10 đồng thì chỉ được nhận 6 đồng. Anh Phu đã phát động cuộc đấu tranh với nhà thầu, buộc chúng phải thực hiện đúng hợp đồng, trả đủ tiền tạm ứng và chấm dứt bớt xén khẩu phần ăn của anh em phu. Sau cuộc đấu tranh đó, Phạm Văn Phu nhận được sự tin cậy tuyệt đối của anh em công nhân, trở thành trung tâm đoàn kết trong cuộc đấu tranh.
Chính vì thế, đầu năm 1928, khi được đồng chí Ngô Gia Tự (cán bộ xây dựng cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ lúc bấy giờ) cử lên Phú Riềng để vận động cách mạng, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ đã tìm đến gặp Phạm Văn Phu đầu tiên.
Tháng 5/1928, Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại đồn điền Phú Riềng chính thức thành lập. Phạm Văn Phu vinh dự đứng trong tổ chức cách mạng này.
Đến ngày 28/10/1929, theo chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ tuyên bố thành lập chi bộ Ðông Dương Cộng sản Ðảng tại Phú Riềng, gồm sáu đảng viên gồm Nguyễn Xuân Cừ (Bí thư), Phan Thu Hồng, Hòa, Tạ, Doanh và Phạm Văn Phu.
Đến cuối năm 1929, người thanh niên quê Bình Lục, Hà Nam này chính thức thay Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư Chi bộ. Tuy số lượng đảng viên chỉ có sáu đồng chí, nhưng lực lượng quần chúng tích cực ở Phú Riềng khá đông, nhất là thành viên của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội.
Và cũng chính từ những hạt nhân ban đầu ấy, ngày 3/2/1930, chi bộ Phú Riềng, dưới sự lãnh đạo của Phạm Văn Phu đã nổi dậy đấu tranh đòi quyền sống của hơn 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, làm nên một "Phú Riềng đỏ" oai hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Phong trào này đã gây tiếng vang lớn trong lịch sử và là mốc mở đầu cho các phong trào công nhân khác của Việt Nam chống lại thực dân Pháp như cuộc đình công khổng lồ tại Nhà máy sợi Nam Định và Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Sục sôi ý chí cách mạng
Sau sự kiện “Phú Riềng đỏ”, Phạm Văn Phu bị thực dân Pháp bắt và kết án hai lần. Lần thứ nhất, ông bị đày ra Côn Ðảo từ 1931 - 1936. Tại đây, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của chi bộ Ðảng trong nhà tù, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Trong những năm tháng tù đày, ông kết thân với các chiến sĩ cách mạng kiên cường như Tôn Ðức Thắng, Tống Văn Trân, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Phạm Văn Ðồng, Hà Huy Giáp, Trần Xuân Ðộ, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Bùi Công Trừng... Càng bị tù đày, tra tấn, ông càng hun đúc ý chí để vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của nhà tù đế quốc, vững tin ở lý tưởng cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.
Lần thứ hai, ông bị mật thám Pháp bắt vào 24/12/1943 trên đường sang Thái Bình khi đang là Xứ ủy viên Bắc Kỳ, Bí thư Liên khu C (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Ðịnh, Thái Bình). Kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn, song ông đã giữ vững khí tiết, bảo vệ bí mật của Ðảng, không chịu khuất phục. Tòa án thực dân kết án đồng chí 20 năm tù, đưa về giam ở Hỏa Lò Hà Nội.
Tại đây cùng Trần Ðăng Ninh, Lê Tất Ðắc..., Phạm Văn Phu (lúc này đã đổi tên thành Trần Tử Bình – với ý nghĩa một cuộc đời phong trần, lãng tử, suốt đời đấu tranh cho độc lập và hòa bình của Tổ quốc) tiếp tục tham gia tổ chức các lớp huấn luyện lý luận, bồi dưỡng quân sự, đường lối của Việt Minh cho tập thể tù chính trị.
Lợi dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp, tối 9/3/1945, ông tham gia lãnh đạo thành công cuộc vượt ngục của gần 100 tù chính trị. Ðây là cuộc vượt ngục thành công nhất trong lịch sử đấu tranh của tù chính trị Việt Nam trong nhà tù đế quốc.
Sau khi thoát khỏi Hỏa Lò, ông cùng các tù chính trị khác mau chóng bắt liên lạc với tổ chức, bổ sung ngay cho các địa phương, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Nhiều đồng chí sau này đảm đương những cương vị quan trọng trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng: Trần Ðăng Ninh, Nguyễn Lam, Nguyễn Thanh Bình, Lê Tất Ðắc, Trương Thị Mỹ, Lê Quốc Thân, Nguyễn Văn Kha, Vũ Tuân, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Trọng Nghĩa...
Tháng 5/1945, ông tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và giữ vai trò Ủy viên thường vụ. Khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, trước vận mệnh dân tộc, ngày 17/8/1945, tại An toàn khu của Xứ ủy ở làng Vạn Phúc (Hà Ðông), nhân danh Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Trần Tử Bình và Nguyễn Khang quyết định phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ vào ngày chủ nhật 19/8/1945.
Trong hồi ức về những ngày tháng Tám lịch sử đó, cố đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, đã từng nói: “Từ Nhà hát Lớn Hà Nội, chúng tôi dẫn đầu đoàn quần chúng ào ạt tiến về Phủ Khâm sai... Tôi, anh Trần Tử Bình, anh Nguyễn Khang và nhiều quần chúng vượt qua cổng sắt, tràn lên đại sảnh và tiến vào Văn phòng Phủ Khâm sai. Nhân danh Ủy ban Quân sự Cách mạng, anh Trần Tử Bình tiến thẳng đến nơi làm việc của Nguyễn Xuân Chữ, người cầm đầu "Ủy ban chính trị" bù nhìn, ra lệnh phải đầu hàng...
Đối với tôi, anh Trần Tử Bình luôn là một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh vững vàng, chắc chắn, rất tích cực xông xáo trong công việc nhưng không cao ngạo, suy bì mà rất khiêm nhường, thân ái, dễ gần gũi với mọi người. Từ những ngày cùng bị giam ở Hỏa Lò, anh đã là người đầu tiên dạy tôi rất nhiều về ý thức giai cấp, về tính Đảng, tính tổ chức… Đó là những bài học vô cùng quý giá cho những thanh niên trí thức như tôi khi mới dấn thân vào con đường cách mạng theo Đảng”.
Sau Cách mạng tháng Tám, Trần Tử Bình được cử làm chỉ huy mặt trận Đường số 2 – Sông Lô, đập tan một trong hai gọng kìm của quân Pháp tiến quân lên Việt Bắc hòng bắt giữ cơ quan đầu não kháng chiến. Với những thành tích và chiến công lập được, ngày 20/1/1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 112/SL phong hàm Thiếu tướng. Ông trở thành 1 trong số 11 vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và đến năm 2001, Thiếu tướng Trần Tử Bình đã được Đảng và Nhà nước ta truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Đến giờ, dù Thiếu tướng Trần Tử Bình đã đi xa ( mất ngày 12/2/1967), nhưng tinh thần chiến đấu, phẩm chất cách mạng của ông vẫn còn sống mãi với thời gian. Và tên ông, cũng đã được đặt cho nhiều con phố ở thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Nam Định, Đà Nẵng…