Chủ tịch Quốc hội chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Chính trị - Ngày đăng : 16:18, 25/07/2023
Tham dự cuộc làm việc, về phía Đoàn công tác của Quốc hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thành Nghị; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Về phía Thành ủy Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sĩ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành...
Kinh tế phục hồi, phát triển nhanh
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp và người dân Thủ đô, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện.
Cụ thể, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô đã phục hồi, phát triển nhanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Tăng trưởng GRDP bình quân 2021 - 2022 đạt 5,86%, gấp 1,12 lần, 6 tháng đầu năm nay tăng gấp khoảng 1,3 lần cả nước. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, thu ngân sách vượt dự toán hàng năm, chi ngân sách được điều hành chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; kịp thời bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Sau 1,5 năm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố đã triển khai quyết liệt, hoàn thành khối lượng lớn công việc: bố trí 1.562,814 tỷ đồng ngân sách Thành phố hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng của Covid-19; hơn 225 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; thực hiện cho vay ưu đãi thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội với tổng dư nợ cho vay là 189 tỷ đồng; cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất 162 tỷ đồng; đã có 85.057 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã được giảm thuế VAT với tổng số thuế giá trị gia tăng được giảm là 19.398 tỷ đồng; số tiền lệ phí trước bạ được giảm là 1.735 tỷ đồng. 18.674 đơn vị được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 với số tiền 20.478 tỷ đồng...
Bảo đảm quyền dân chủ và giám sát của nhân dân
Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND phường, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu rõ, tổ chức bộ máy chính quyền ở các quận và thị xã hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã chủ động trong điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước.
Đặc biệt, những nhiệm vụ mang tính đột xuất, yêu cầu cấp bách phải giải quyết ngay, Chủ tịch UBND phường đã phát huy vai trò là người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định, tổ chức thực hiện được ngay dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy phường.
Cơ chế giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đã được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đoàn thể xã hội của phường thực hiện tốt thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh. Quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được đảm bảo, được tăng cường hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp của Nhân dân hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Tại các quận, thị xã thí điểm không tổ chức HĐND phường, quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được phát huy tốt.
HĐND quận, thị xã đã thực hiện được nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; chủ động theo dõi, giám sát và đôn đốc trả lời, giải quyết được số lượng lớn kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Mặc dù không tổ chức HĐND phường, những vấn đề dân sinh bức xúc của cử tri, kiến nghị phản ánh của cử tri đã được đại biểu HĐND quận, thị xã tiếp nhận và đôn đốc trả lời, giải quyết.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh cũng cho biết, việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội đã tác động tích cực đến sự phát triển của Thủ đô thời gian qua, giúp Thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có. Các cơ chế, chính sách đặc thù này đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, chia sẻ khó khăn và tăng cường sự đoàn kết, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách cấp Thành phố.
Mở đường, tạo thể chế vượt trội phát triển Thủ đô xứng tầm
Về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật năm 2012; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Theo đó, dự luật quan trọng này được xây dựng theo các quan điểm: Một là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô. Hai là, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013, đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật. Ba là, bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua. Bốn là, cùng với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố. Năm là, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, Nghị quyết số 115/2020/QH14, Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội; rà soát, tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để lựa chọn những vấn đề đặc thù, chưa được quy định để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 Điều. So với Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật tăng 2 chương, 32 Điều, trong đó bổ sung mới, toàn diện rất nhiều nội dung mới như: Tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD, về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về phát triển y tế; về an sinh xã hội.
Đồng thời, đối với những nội dung đã quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, tại dự thảo Luật lần này cũng được sửa đổi, bổ sung toàn diện như: các quy định về tài chính - ngân sách, quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị, phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, xử lý vi phạm hành chính, nâng cấp một chương riêng về liên kết, phát triển vùng Thủ đô....
Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế, xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô nhằm giúp cho Luật giữ được hiệu lực áp dụng trong trường hợp các luật, Nghị quyết của Quốc hội ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô.