Xã hội

Moong Phò Hiệu - người giữ hồn văn hóa Khơ Mú

Trần Tú - Lữ Phú 25/07/2023 - 08:17

Ông Moong Phò Hiệu, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), là một trong những người đi đầu trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khơ Mú. Ông không chỉ là người thổi sáo hay, hát các điệu Tơm của người Khơ Mú giỏi, mà ông còn biết chế tác các nhạc cụ truyền thống, rồi truyền dạy cho lớp trẻ người Khơ Mú.

Từ lâu người dân bản Xốp Lau, xã Mường Ải, đã quen với âm thanh ngân vang bởi tiếng hát, tiếng Tơm (làn điệu dân ca truyền thống của đồng bào Khơ Mú), tiếng pí của các học viên do chính ông Moong Phò Hiệu đang ngày đêm truyền dạy.

nguoi_giu_hon_van_hoa_kho_mu_5.jpg
Ngôi nhà sàn của ông Hiệu cũng là nơi truyền tải các giai điệu Khơ Mú cho học viên.

Lớn lên trên lưng mẹ khắp nương rẫy, được nghe những điệu Tơm khi mẹ làm cỏ lúa hay những khúc hát ru trước giấc ngủ, từ nhỏ ông Hiệu đã say mê tiếng sáo, tiếng pí và những lời ru, câu hát của dân tộc mình. Những giai điệu đó đã trở thành nguồn cảm hứng, để ông sáng tác ra những bài hát mới truyền tiếp cho thế hệ trẻ hôm nay.

“Nhờ bác Phò Hiệu truyền dạy các điệu Tơm, câu hát mà lớp trẻ thanh niên bản Xốp Lau chúng tôi hôm nay mới biết Tơm bằng tiếng đồng bào mình. Tôi đã tham gia học và đã biết thổi sáo, hát Tơm Khơ Mú", anh Lữ Văn Tạc, (bản Xốp Lau, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn), một trong những học viên đang tham gia học tại nhà ông Hiệu, chia sẻ.

nguoi_giu_hon_van_hoa_kho_mu_4.jpg
Những nhạc cụ của người Khơ Mú được chế tạo khá đơn giản so với các dân tộc khác.

Không chỉ lưu giữ, truyền dạy cho con cháu cách thổi sáo, thổi pí và các điệu Tơm, câu hát của đồng bào Khơ Mú. Ông Moong Phò Hiệu cũng truyền dạy cho học trò cách làm các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, như: Sáo dọc (tiếng Khơ Mú gọi là Tọt têr), sáo ngang (tiếng Khơ Mú gọi là Tọt Mú), pí và khèn của đồng bào Khơ Mú.

Từ những cây nứa, cây tre qua đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn thiết tha yêu đời của người Khơ Mú đã làm nên những nhạc cụ tạo ra giai điệu lúc rộn ràng, khi sâu lắng. Đó chính là tiếng lòng của người đồng bào Khơ Mú, một dân tộc có tâm hồn luôn tươi vui và phóng khoáng.

nguoi_giu_hon_van_hoa_kho_mu_2.jpg
Nhạc cụ có thể là một ống nứa đơn giản.

“Hiện nay tôi làm được 4 loại nhạc cụ khác nhau như: Pí, sáo, trong sáo có hai loại một gọi là sáo ngang, một loại gọi là sáo dọc. Để làm các nhạc cụ này phải lên trên rừng lấy các loại cây thuộc họ nứa, có đốt ống dài. Mong muốn lớn nhất của tôi là truyền lại cho con cháu học và giữ lại được truyền thống Khơ Mú, nếu không truyền cho lớp trẻ thì sợ rằng những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú dần mai một”, ông Hiệu tâm sự.

Cuộc sống ngày một hiện đại, phương thức sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều thay đổi khiến không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Khơ Mú cũng dần bị thu hẹp, lớp trẻ người Khơ Mú ngày nay ít ai còn biết sử dụng và chế tác nhạc cụ của dân tộc mình. Những lớp học như thế này đã góp phần bảo tồn và gìn giữ những văn hóa đặc sắc của đồng bào Khơ Mú.

nguoi_giu_hon_van_hoa_kho_mu_3.jpg
Nhạc cụ cũng có thể là một tổ hợp ống nứa bó chặt với nhau, khi thổi tạo ra âm vọng khác nhau.

“Ông Moong Phò Hiệu là một trong những người lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của người Khơ Mú. Đặc biệt ông đang truyền dạy cho 15 học viên đang vừa luyện lại các nhạc cụ, vừa chế tác các nhạc cụ. Nhờ những đóng góp của mình, ông Moong Phò Hiệu đã được Sở Văn hóa tỉnh Nghệ An, công nhận nghệ nhân năm 2020”, ông Lầu Bá Nù, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, cho biết.

Dưới những mái nhà sàn san sát, bên dòng suối Huồi Lau, những điệu hát dân ca truyền thống, trong trẻo cùng các nhạc cụ dân gian truyền thống vẫn đang đồng hành trong cuộc sống thường ngày của người Khơ Mú xã Mường Ải. Đây sẽ mãi là niềm tự hào về bản sắc văn hóa của người Khơ Mú, góp phần quan trọng làm nên dấu ấn văn hóa vô cùng độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Trần Tú - Lữ Phú