Vấn đề quan tâm

Điều kiện hưởng Bảo hiểm y tế cựu chiến binh

B. Anh 25/07/2023 - 06:11

Theo quy định, trường hợp nào được hưởng bảo hiểm y tế cựu chiến binh do ngân sách Nhà nước đóng?

the-bhyt.jpg
Ảnh minh họa.

Bạn đọc Trần Ngọc Điệp hỏi: Tôi là quân nhân chuyên nghiệp, nhập ngũ tháng 3/1991, xuất ngũ ngày 7/1/1999. Tôi không tham gia Hội Cựu chiến binh, mua bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình. Vậy, tôi có được chuyển quyền lợi BHYT từ hộ gia đình sang cựu chiến binh không?

Giải đáp về vấn đề trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết:

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, cựu chiến binh thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng là cựu chiến binh tham gia kháng chiến sau ngày 30/4/1975 quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cựu chiến binh và tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP của Chính phủ, gồm:

Quân nhân, công nhân viên quốc phòng đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc;

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 chuyển ngành về làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (không được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg);

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu hoặc chuyển ngành về làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

Dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu sau ngày 30/4/1975 đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 7 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP của Chính phủ, việc xác nhận cựu chiến binh được căn cứ vào hồ sơ khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ, xuất ngũ, phục viên, nghỉ hưu tại địa phương, do cơ quan quân sự xã, phường, thị trấn nơi cựu chiến binh đang cư trú chủ trì, phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp xác nhận.

Vì vậy, trường hợp của ông Trần Ngọc Điệp là quân nhân chuyên nghiệp, nhập ngũ tháng 3/1991, đến ngày 7/1/1999 xuất ngũ, nếu chưa được xác nhận là cựu chiến binh thì không thuộc đối tượng cựu chiến binh tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng. Do đó, ông Điệp đang tham gia BHYT theo hộ gia đình là đúng quy định của pháp luật.

B. Anh