Phóng sự - Ghi chép

Bản hùng ca trên núi cao

T.Thành 23/07/2023 - 05:53

Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp vô cùng to lớn. Nhiều làng bản trở thành căn cứ địa cách mạng, hàng ngàn hàng vạn con em đồng bào đã hăng hái lên đường nhập ngũ, cùng với quân dân cả nước anh dũng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó, có hàng trăm người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Có thể nói, câu chuyện về họ là một bản hùng ca trên núi cao.

Người du kích Pa Kô quả cảm

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức thời binh lửa vẫn nguyên vẹn trong tâm trí của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai (tức A Vai, SN 1942, ở thôn Lê Lốc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đối với cựu binh người dân tộc Pa Kô này thì những ngày tháng xông pha ngoài trận mạc dường như vừa mới diễn ra...

“Từ năm 1961 - 1961, A Lưới là một trong những căn cứ địa cách mạng, chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Thời đó, bà con dân tộc Pa Kô nói riêng và quê hương A Lưới nói chung là cái nôi của những cuộc cách mạng, hễ có giặc xuất hiện là tinh thần chiến đấu của tất cả bà con trong quần chúng nhân dân lại lên cao. Ai nấy cũng đều nêu cao tinh thần, tìm mọi cách để đẩy lùi các cuộc tiến công của giặc. Chính vì vậy, lúc bấy giờ, giặc liên tục đổ quân đóng tại đồn Aso (xã Đông Sơn) để mở các cuộc càn quét bằng các phương tiện vũ trang hiện đại; chúng thả bom napan khắp các núi rừng, suốt ngày đêm sát hại dã man đồng bào ta...", Anh hùng Hồ Đức Vai nhớ lại.

anh-bai-ban-hung-ca-tren-nui-cao-1.jpg
Tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ năm 1965 được Anh hùng Hồ Đức Vai (thứ 4, từ phải sang) gìn giữ như báu vật.

Chứng kiến cảnh quân giặc dùng hình thức tàn độc giết hại bà con, A Vai không thể nén chịu cái cảnh đau thương khi nhìn thấy các anh chị, trẻ em bị chôn vùi dưới bom đạn nên ông đã tình nguyện tham gia đội du kích địa phương. Thời gian đầu, ông được giao nhiệm vụ làm liên lạc. Một năm sau, ông chính thức được giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng.

Với lòng nhiệt huyết và tinh thần chiến đấu quả cảm, đội du kích do ông phụ trách khiến cho quân địch ngày càng run sợ. Chỉ tính riêng trong năm 1961, A vai đã cùng đồng đội, đồng chí của mình đánh trên 20 trận lớn nhỏ, diệt 32 tên địch, bắn bị thương 9 tên, làm sập hầm chông chết 1 tên và bị thương 50 tên khác. Lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở và dùng cách đánh du kích truyền thống, trong suốt năm 1962, A Vai đã nhiều lần cùng anh em đánh chặn thành công các trận càn của địch, để đồng bào yên tâm sản xuất.

Trận đánh mà A Vai nhớ nhất là vào ngày 11/7/1963. Khi đó, A Vai đang làm rẫy thì nghe tin địch càn vào xã A Ninh. Thời gian quá gấp, không đủ để chạy về huy động anh em, ông một mình vác súng chạy tắt rừng đón đầu hướng di chuyển của địch. Sau khi đã tìm được vị trí mai phục ở núi A Sờ, thì đột nhiên ông lên cơn sốt rét. Quyết không lùi bước, khi phát hiện đội hình địch hành quân qua, ông nghiến răng dùng tiểu liên quét liên hồi. Sau loạt đạn, 3 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, số còn lại hốt hoảng chạy tháo thân, bỏ dở cuộc càn.

Trận đánh chia lửa kết hợp với người cháu ruột là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kan Lịch cũng là một thời khắc A Vai không bao giờ quên: Sau khi biết tin địch sẽ có trận càn lớn, 3 ngày 3 đêm, 12 anh em phục sẵn. Hết lương thực, nhiều người quá đói bụng nên định “bỏ súng”. Kan Lịch một mực quyết tâm: Thiếu đói, thiếu khát, đổ máu cũng phải đánh nhưng bằng mọi cách để có “cái vào bụng”. Thừa cơ địch ở các đồn đi họp bàn chuyện tổ chức trận càn sắp tới, tất cả anh em ập vào lấy hết lương thực cho người mang về rồi lên phương án chiến đấu. Khi địch trở về, tất cả các chốt xả đạn. Vì bất ngờ nên thương vong phía quân địch trong trận này rất lớn.

Từ những trận đánh như thế, cái tên A Vai đã lan nhanh đến khắp buôn làng người Pa Kô sinh sống, trở thành biểu tượng của lòng anh dũng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Ông có tầm ảnh hưởng lớn đến tinh thần đấu tranh của đồng bào vùng cao lúc bấy giờ.

Trong Đại hội Chiến sĩ Anh hùng thi đua toàn miền Nam, tổ chức tại Tây Ninh vào ngày 15/10/1965, A Vai là 1 trong 2 du kích người dân tộc thiểu số vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng vũ trang nhân dân. Và cũng chính ở Đại hội ấy, A Vai đã được gặp Bác Hồ.

“Trong lúc trò chuyện, biết tôi là người thiểu số, Bác đã ân cần căn dặn: “Cháu đã làm cán bộ thì phải học cái chữ. Có biết đọc, biết viết mới nói tiếng Kinh rõ được, mới làm cán bộ của đồng bào, phục vụ cách mạng...”. Sau này, tôi còn được gặp Bác nhiều lần nữa, mỗi lần đều là một kỷ niệm sâu đậm, ngọt ngào và hết sức thiêng liêng. Bây giờ, khi Bác đã đi xa, nhưng tôi và đồng bào Pa Kô vẫn luôn khắc ghi những lời dạy của Bác, nguyện đem tất cả sức lực và trí tuệ để phục vụ quê hương, đất nước. Nhưng điều hạnh phúc nhất đối với tôi là được đích thân Bác Hồ đặt cho cái tên Hồ Đức Vai. Sau đó, để tri ân tấm lòng của Bác, tôi đã về vận động đồng bào đổi tên thành họ Hồ, và tất cả đồng bào Pa Kô ở A Lưới đều nghe theo...”, A Vai nhớ lại.

Cây đại thụ miền biên viễn  

Cũng sinh ra khi quê hương tràn bóng giặc, lớn lên trong cảnh lầm than đói khổ, cậu bé Vừ Chông Pao (1930 - 2015, ở Mường Ải, Kỳ Sơn, Nghệ An) đã vụt lớn, trở thành một người đàn ông ưu tú, như lời mẹ ru hôm nào: “Núm ruột hồng vượt lên đá, nở hoa. Con yêu hãy lớn lên, thành người đàn ông Mông tài giỏi…”.

Vừ Chông Pao, hay còn gọi là Vừ Lầu Pó lớn lên đúng lúc quê hương bị quân giặc chiếm đóng, ông đã sớm phải chứng kiến những đau thương, mất mát của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Hàng ngày, quân giặc ra sức càn quét, bắn giết bao người vô tội.

Quá khiếp sợ, đồng bào dắt díu nhau trốn chạy khắp núi rừng. Khi vừa tròn 18 tuổi (năm 1948), Vừ Chông Pao đã cùng người anh trai là Vừ Giống Chư và anh rể là Lầu Dê Tu đứng ra thành lập đội du kích, nhiệm vụ chính là chỉ huy việc sơ tán dân bản, cất giấu tài sản, không để rơi vào tay giặc.

anh-bai-ban-hung-ca-tren-nui-cao-2.jpg
Ông Vừ Chông Pao đi thăm bà con dân bản.

Năm 1948, Ủy ban Kháng chiến được thành lập, nhưng cơ sở vật chất phục vụ chiến đấu ở Kỳ Sơn còn rất thiếu thốn. Lúc này, Vừ Chông Pao và đội quân gồm các thanh niên trai tráng trong bản làng tại xã Na Ngoi, Mường Ải - Kỳ Sơn với các loại súng tự chế, chông, gươm, giáo đã trở thành điểm tựa vững chắc chống giặc, là mô hình được nhân rộng trên toàn tuyến biên giới. Năm 1950, từ Đội trưởng đội du kích, Vừ Chông Pao được điều lên làm Phó, rồi Trưởng Công an xã Na Ngoi.

Cũng trong khoảng thời gian làm Trưởng Công an xã Na Ngoi, Vừ Chông Pao có vinh dự được gặp Bác Hồ. Đó là vào dịp ông được mời ra dự lễ Quốc khánh 2/9/1954. Lời dặn dò của Bác: “Muốn thắng giặc, 54 dân tộc anh em phải đoàn kết. Như một bó đũa từng chiếc một thì nhỏ, nhưng kết lại thành một bó to, sẽ tạo thành một sức mạnh khổng lồ” in sâu trong tâm trí ông Pao cho đến tận lúc cuối đời.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tình hình huyện biên giới Kỳ Sơn vô cùng phức tạp. Quân địch liên tục càn quét, phá hoại, câu kết và xui khiến bọn phản động đứng lên làm loạn, đốt phá bản làng, tàn sát nhân dân. Trong số những kẻ theo địch, phải kể đến tên Già Xay Xua, kẻ tự xưng là Châu Phà (tức Vua trời) ở vùng Mường Lống. Tên này đã ra sức dụ dỗ, lôi kéo và ép buộc đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn theo nó để giết hại đồng bào mình, chống lại chính quyền địa phương. Mục tiêu hàng đầu của ta lúc bấy giờ là dẹp phỉ, cắt nguồn viện trợ của quân địch.

Ngày 3/9/1963, sau khi dự Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh, ông Pao được vào gặp Bác. Bác hỏi: “Ở Kỳ Sơn, Nghệ An có chuyện gì không?”, ông Pao liền báo cáo với Bác về chuyện Châu Phà. Bác liền căn dặn: “54 dân tộc anh em đều là đồng bào ta hết. Nhưng đồng bào ta hiện nay trình độ hiểu biết còn giới hạn nên dễ nghe theo lời kẻ xấu. Nếu các chú đều coi đồng bào là thù thì đánh cả đời không hết giặc, đất nước sẽ không bao giờ được hòa bình. Muốn thắng được Châu Phà thì phải cảm hóa được đồng bào, làm cho họ biết cái tốt, cái xấu, nói cho họ thấy sai lầm, rõ được chân tướng của kẻ thù và bè lũ cướp nước…”.

Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm sâu sắc ấy, già Pao lại không ngăn được xúc động. Ông bảo, đó là lần đầu tiên ông thấm thía hết nghĩa tình của Bác dành cho đồng bào các dân tộc anh em. Ngay sau đó, Vừ Chông Pao mở cuộc họp toàn dân kéo dài ba ngày, ba đêm tại Xúc Nhị để bàn cách tiêu diệt “Châu Phà”. Lời Bác dạy được ông nhắc lại cho tất cả cùng nghe, các già làng trưởng bản đều xúc động và thấm thía cái tình của Bác. Tất cả đều thống nhất phương án tăng cường vận động bà con các dân tộc đoàn kết, tập trung vào những gia đình có người theo phỉ. Phong trào vào rừng gọi người thân trở về lan truyền rộng, những người theo phỉ đã lần lượt trở về làm ăn lương thiện và rồi “Châu Phà không đánh mà tan”...

Từ sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, hoạt động của phỉ tại biên giới phía Tây Nghệ An giảm đáng kể. Tuy nhiên, do có đường biên giới giáp Lào dài nhất cả nước, nên đây vẫn là địa bàn phức tạp và còn tồn tại những tốp phỉ hoạt động nhỏ, lẻ, chống phá cách mạng.

anh-bai-ban-hung-ca-tren-nui-cao-3.jpg
Yên bình Kỳ Sơn.

Biết ở Nậm Càn, Na Ngoi, người dân vẫn lén lút tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các đối tượng phỉ, ông Pao cùng các ban ngành tổ chức các buổi họp dân tại các bản. Lẽ phải của ông đã làm đồng bào hiểu ra, họ hứa sẽ không tiếp tế cho phỉ, tố giác kẻ xấu. Từ đó, các hộ phỉ đã từ bỏ rừng sâu trở về với bản làng.

Kiên trì đấu tranh suốt mấy chục năm ròng thì đến năm 2008, hoạt động phỉ hoàn toàn chấm dứt trên tuyến biên giới miền Tây xứ Nghệ. Bản làng vùng biên lại rộn ràng như ngày hội, Kỳ Sơn đã trở lại thanh bình. Tháng 5/2010, Vừ Chông Pao được mời ra Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất. Và, cũng tại đại hội này, ông vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Âu đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của người con ưu tú của dân tộc Mông đối với mảnh đất biên viễn Kỳ Sơn.

T.Thành