Nam A Bank phát triển bền vững, quản trị rủi ro chuẩn quốc tế
Trước bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới chuyển biến phức tạp, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Nam A Bank đã chủ động và sẵn sàng triển khai các giải pháp để hoạt động ổn định, an toàn, giữ vững đà tăng trưởng dựa trên việc quản trị rủi ro chuẩn quốc tế, chú trọng phát triển bền vững.
Vừa qua, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Trong đó, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Đồng thời, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Song song đó, nhiều ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hoạt động an toàn, ổn định, giữ vững đà tăng trưởng. Theo đó, bằng các giải pháp và hành động cụ thể, Nam A Bank đã thực thi nhiều chính sách quan trọng góp phần kiểm soát nợ xấu song song với mục tiêu phát triển bền vững của ngân hàng này.
Bên cạnh các chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… được Nam A Bank triển khai kịp thời, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nam A Bank còn xử lý nợ xấu thông qua nghiệp vụ xử lý nợ từ Công ty AMC. Ngân hàng tiếp tục và quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu chây ì nhiều năm, kể cả việc thu giữ, bán đấu giá, phát mại tài sản để thu nợ theo đúng quy định của pháp luật. Mục tiêu nhằm xử lý và thu hồi vốn một cách nhanh chóng nhất, hoạt động này sẽ góp phần làm lành mạnh hóa tình hình tài chính và hoạt động của Ngân hàng, đảm bảo kinh doanh an toàn và bền vững, tránh tình trạng nợ tồn đọng không được xử lý dứt điểm sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến hiệu quả cũng như tính an toàn trong hoạt động kinh doanh của Nam A Bank.
Song song đó, Nam A Bank còn chủ động tăng cường trích lập dự phòng từ sớm nhằm củng cố nguồn lực, gia cố bộ “đệm dự phòng” để hạn chế rủi ro tín dụng. Bước phòng vệ từ sớm này sẽ giúp Ngân hàng tiếp tục kiểm soát nợ xấu và quản trị rủi ro một cách hiệu quả nhất.
Để hoạt động kinh doanh ổn định, hướng đến phát triển bền vững thì quản trị rủi ro luôn được Nam A Bank hàng đặt lên hàng đầu. Quản trị rủi ro tốt sẽ giúp ngân hàng nâng cao khả năng ứng phó, nhanh chóng thích nghi và duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả khi có những biến động về kinh tế. Nam A Bank là một trong những ngân hàng tiên phong và chủ động áp dụng mô hình quản trị rủi ro theo quy định của NHNN và chuẩn mực quốc tế từ sớm.
Cụ thể, Nam A Bank là 1 trong 4 ngân hàng Việt đầu tiên được KPMG công bố hoàn thành chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế Basel III. Đồng thời, triển khai chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) nhằm tăng cường tính minh bạch về tài chính và nâng cao hiệu quả, an toàn trong hoạt động tiến tới các chuẩn mực tài chính quốc tế toàn diện.
Là một trong những ngân hàng tiên phong sáng tạo số, năm vừa qua Nam A Bank tiếp tục chú trọng chiến lược phát triển công nghệ bằng việc đẩy mạnh số hóa trong kinh doanh và vận hành, không ngừng cải tiến và nâng cao trải nghiệm Hệ sinh thái ngân hàng số (Open Banking, ONEBANK và Robot OPBA), mở rộng hệ sinh thái – kết nối đối tác như VGS, Mobifone, VNPOST, VNpay, VETC… nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững của Nam A Bank.
Đại diện Nam A Bank cho biết: “Việc Ngân hàng chủ động xây dựng các biện pháp “phòng vệ” từ sớm trong quản trị rủi ro đã góp phần không nhỏ giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả, minh bạch và ổn định trước bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn. Nam A Bank sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh sẵn có song song với việc thực thi một cách triệt để các chính sách từ Chính phủ và NHNN giúp ổn định hệ thống tài chính trong nước, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới”.