Sức Khỏe

Sốt cao, mưng mủ sau khi nhổ sợi lông chân

Chí Tâm 21/07/2023 - 22:13

Thấy sợi lông mọc ngược trên ngón chân cái, T. đã nhổ đi, vài tiếng sau ngón chân sưng nề, đỏ tấy và tình trạng trở nặng khiến cô gái trẻ phải vào bệnh viện "cầu cứu".

Ngày 21/7, bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận một ca bệnh hy hữu. Đó là nữ bệnh nhân N.P.T. (19 tuổi, ở Hà Nội) vào khám trong tình trạng chân trái bệnh nhân bị tấy đỏ, đầu ngón chân cái mưng mủ, sốt cao trên 39 độ C.

mung-mu.png
Hình ảnh ngón chân trái của bệnh nhân sưng tấy. Ảnh: BSCC.

Theo lời bệnh nhân, cô thấy trên ngón chân cái có sợi lông mọc ngược nên "ngứa mắt" nhổ đi. Vài tiếng sau, T. thấy ngón chân cái sưng nề. Một ngày sau, vùng này tiếp tục sưng to và có mủ trắng, bàn chân từ cổ chân đến mắt cá cũng đỏ tấy. T. thấy cơ thể sốt lúc nóng hừng hực, lúc rét đắp chăn bông vẫn run nên cô đã vội vàng vào viện.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T., bác sĩ Thiệu chia sẻ việc nhổ bỏ sợi lông đã tạo đường xâm nhập cho vi khuẩn, đặc biệt là tụ cầu vàng. Ông cho biết, nhiễm khuẩn tụ cầu là một loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn thuộc họ Streptococcus gây ra. Có nhiều loại vi khuẩn thuộc họ Streptococcus có thể gây nhiễm khuẩn ở con người.

Nhiễm khuẩn tụ cầu thường lây lan qua việc tiếp xúc với các giọt bắn, hắt hơi hoặc tiếp xúc với đồ dùng cá nhân của người bệnh. Tụ cầu vàng trên da cũng có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở dù nhỏ xíu. Khi bệnh nhân nhổ lông đã tạo tổn thương ở trên da và vi khuẩn đã xâm nhập gây viêm mô bào toàn chân.

"Thời gian điều trị của bệnh nhân T. có thể kéo dài trong khoảng 7-14 ngày tùy theo mức độ phục hồi của bệnh trạng. Dựa theo hướng chẩn đoán là viêm mô bào bàn chân trái, bệnh nhân sẽ được điều trị kháng sinh cho viêm cầu, liên cầu và tụ cầu", bác sĩ Thiệu nói thêm.

Mặc dù là hy hữu, nhưng theo khuyến cáo của bác sĩ Thiệu, nguy cơ nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở bất kỳ ai, đặc biệt là những người có miễn dịch yếu như trẻ em, người già. Để hạn chế nguy cơ nhiễm vi khuẩn, người dân cần tạo thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng, hạn chế giơ tay lên xoa mặt, mũi nhất là tay chưa vệ sinh. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh đồ dùng cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.

Chí Tâm