Người phụ nữ nước ngoài vận chuyển 2,3kg ma tuý có thể đối mặt với khung hình phạt nào?
"Người phụ nữ quốc tịch Kenya vận chuyển 2,3kg ma túy qua sân bay Tân Sơn Nhất có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất đối với loại tội phạm này là từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình", Luật sư Nguyễn Duy Binh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định.
Liên quan đến vụ người phụ nữ nước ngoài vận chuyển 2,3kg ma túy qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Nguyễn Duy Binh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP.HCM về các tình huống pháp lý trong vụ việc.
Luật sư Nguyễn Duy Binh cho biết, theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Bộ Luật hình sự thì Bộ luật hình sự được áp dụng đối với người nước ngoài trong các trường hợp:
Thứ nhất, hành vi phạm tội của người nước ngoài được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Luật sư Nguyễn Duy Binh phân tích, trong trường hợp nữ hành khách M.M.N (SN 1988), quốc tịch Kenya nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có dấu hiệu phạm tội vận chuyển ma túy diễn ra và bị bắt quả tang trên lãnh thổ Việt Nam, nếu đáp ứng đủ các dấu hiệu quy định tại Điều 250 của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017), người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
"Với số lượng ma túy thu giữ được là rất lớn (2,3kg), người phạm tội có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất đối với loại tội phạm này là từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình", Luật sư Nguyễn Duy Binh cho biết.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình và kiểm soát địa bàn, lúc 22h ngày 14/7, Tổ công tác gồm lực lượng điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP.HCM, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lực lượng điều tra tội phạm về ma túy - Bộ đội Biên phòng Thành phố, lực lượng chống buôn lậu ma túy - Tổng Cục Hải quan và Cục Hải quan Thành phố đã phát hiện hành khách nữ M.M.N (SN 1988), quốc tịch Kenya nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành phối hợp kiểm tra.
Qua hình ảnh soi chiếu cho thấy mặt nắp trên và mặt đáy của vali có nghi vấn cất giấu ma túy.
Kiểm tra bên trong vali, lực lượng chức năng phát hiện 2 gói có chứa 2,3kg chất bột màu trắng; qua kiểm tra nhanh, bước đầu xác định đây là ma túy loại Cocain.
Kiểm tra lịch trình di chuyển của hành khách trên, từ ngày 7/7 đến thời điểm bị phát hiện, M.M.N đã di chuyển qua địa điểm như: Thủ đô Nairobi (Kenya), thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), thủ đô Doha (Quatar).
Hiện Công an TP.HCM đang phối hợp các đơn vị có liên quan tiếp tục điều tra mở rộng, củng cố chứng cứ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, Công an TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị: Cục Hải quan Thành phố, Bộ đội Biên phòng Thành phố nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn TP.HCM.
Hồi tháng 3/2023, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 10kg ma túy tổng hợp trong vali của 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển trái phép từ Pháp về Việt Nam.
Theo quy định tại điểm 3.2 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì “Vận chuyển trái phép chất ma túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác. Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.