Hành trình tri ân miền đất lửa: Sáng mãi huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc
Có một Hà Tĩnh hiền hòa bên dòng sông La, dưới núi Hồng Lĩnh với những bờ biển cát trắng nắng vàng, với đất linh Hương Tích cùng những di tích lịch sử, văn hóa một thời. Khó có thể hình dung được 55 năm trước, nơi này lại được mệnh danh là “tọa độ chết”, là “túi bom” mà đế quốc Mỹ thả xuống, nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối liền huyết mạch đó.
Có một Hà Tĩnh hiền hòa bên dòng sông La, dưới núi Hồng Lĩnh với những bờ biển cát trắng nắng vàng, với đất linh Hương Tích cùng những di tích lịch sử, văn hóa một thời. Khó có thể hình dung được 55 năm trước, nơi này lại được mệnh danh là “tọa độ chết”, là “túi bom” mà đế quốc Mỹ thả xuống, nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối liền huyết mạch đó.
Ngày 18/7/2023, Đoàn công tác của Báo Công lý do đồng chí Trần Đức Vinh - Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập dẫn đầu, cùng Phó Tổng Biên tập, Chủ tịch Công đoàn Tô Thị Lan Phương và các cán bộ, phóng viên, người lao động của Báo Công lý đã tới dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong tại khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Cùng đi với đoàn còn có đồng chí Nguyễn Hà Ngân - Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị về nguồn, tri ân “miền đất lửa” đầy ý nghĩa của Báo Công lý, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hướng tới kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), 55 năm ngày Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2023).
Trong những ngày này, ngã ba Đồng Lộc có nhiều hoạt động hơn so với bình thường. Những đoàn khách đến từ khắp nơi, các cơ quan, tổ chức cùng nhau hội tụ tại Ngã Ba Đồng Lộc để tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng đã hy sinh tại đây.
Không gian khu tưởng niệm được trang hoàng với cờ đỏ sao vàng cùng những lẵng hoa tươi thắm. Bước chân vào không gian khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, ít ai có thể hình dung rằng, chính ở vị trí này, cách đây hơn 50 năm, từng là trọng điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ trên tuyến đường huyết mạch 1A. Ngã ba này từng được coi là “yết hầu”, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam ruột thịt.
Ngã ba Đồng Lộc nằm ở vị trí giao điểm của Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2 (Hà Tĩnh). Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, mọi con đường chi viện từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Chính vì sự hiểm yếu này mà không quân Mỹ đã liên tục cho máy bay ném bom đánh phá Đồng Lộc, nhằm mục đích cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về miền Nam. Vì thế, Đồng Lộc còn được mệnh danh là “tọa độ chết”.
Trong những ngày gian khó đó, với tinh thần xả thân quên mình “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hơn 16.000 thanh niên xung phong cùng các lực lượng khác như bộ đội pháo binh, dân quân tự vệ, công an đã ngày đêm phá bom, mở đường cho xe tiến vào Nam. Sau mỗi lần bom địch đánh phá, hố bom lại nham nhở mặt đường, rất khó khăn cho xe qua lại.
Tại Ngã ba Đồng Lộc, xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường. Điển hình là 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Các chị đã anh dũng hy sinh ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, để hóa thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.
Tại đây, Tổng Biên tập Báo Công lý Trần Đức Vinh cùng đoàn tri ân đã đặt vòng hoa, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc - nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ thanh niên xung phong trong cả nước, khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc và Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc.
Các thành viên trong đoàn đã kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Trở về buổi trưa định mệnh của ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Nhận nhiệm vụ xong, các chị đến hiện trường gấp rút triển khai công việc.
Họ vừa cười nói, vừa làm việc không ngơi tay và đã 3 lần các chị bị vùi lấp, nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục công việc. 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm - nơi 10 cô gái của Tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom. Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình.
Phải đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra. Trong lúc đau thương, xót xa tìm thi thể người em, người đồng đội, nhà thơ Yến Thanh nghẹn ngào viết bài thơ: “Cúc ơi” trong lúc cùng đồng đội tìm thi thể chị:
“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh
A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh
Chỉ thiếu mình em
Chín bỏ làm mười răng được
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?...
…Gọi em,
Gào em
Khản cổ cả rồi
Cúc ơi!”Nhà thơ Yến Thanh
Những giọt máu trinh nguyên của các chị đã thấm sâu vào đất mẹ, tô thắm thêm biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Đến đây, người ta vẫn cảm thấy bóng dáng những thiếu nữ, các nữ thanh niên xung phong nơi Ngã ba Đồng Lộc xưa. Các chị còn quá trẻ, ở cái độ tuổi đôi mươi, đã gửi lại cả tuổi xuân, nơi mảnh đất “máu và hoa" này. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nơi Ngã ba Đồng Lộc vẫn còn đó những dấu ấn, những câu chuyện và những cuộc ra đi không trở về.
55 năm trôi qua, mảnh đất cằn cỗi, tan hoang, là “túi bom”, “chảo đạn” năm xưa nay đã lột xác hoàn toàn. Ngọn đồi Trọ Voi trơ trọi ngày nào nay đã được khoác lên mình màu xanh tươi mới của bạt ngàn thông xanh; những con đường bùn lầy năm xưa nay được rải nhựa mịn màng, rộng thênh thang; những bức tượng đài, khu tưởng niệm được dựng lên ghi nhớ chứng tích đấu tranh hào hùng năm nào của dân tộc ta.
Từng dòng người kính cẩn nghiêng mình thắp lên mộ phần 10 nữ thanh niên xung phong những nén hương thơm, những bông hoa cúc trắng tinh khôi; những vật dụng gương, lược cho các chị.
Ngay bên cạnh lối vào khu mộ tưởng niệm là hố bom-dấu tích cho những ngày thánh ác liệt của chiến tranh. Cách đó vài trăm mét là nhà trưng bày, sa bàn tái hiện hình ảnh những cô gái, chàng trai thanh niên xung phong anh hùng xả thân giữa những trận bom của địch để giữ vững con đường huyết mạch cho những đoàn xe nối nhau ra tiền tuyến.
Trong Bảo tàng Đồng Lộc có một căn phòng dành riêng cho 10 cô gái thanh niên xung phong và đây cũng là phần quan trọng nhất của bảo tàng. Đứng trước di ảnh của các chị không ai dấu được xúc động. Thế hệ hôm nay nghiêng mình trước sự hy sinh oanh liệt của các chị: 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng, những cô gái bất tử bên dòng sông La đã hoà vào đất đá, tạo thành hoa lá dệt nên màu xanh hòa bình của dân tộc. Tên của các chị đã trở thành tên chung - "10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc", đại diện cho biết bao người lính đã hy sinh trên mảnh đất này.
Chiến tranh đã đi qua, tọa độ bom cày, đạn xới năm xưa giờ đây đã trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngã ba Đồng Lộc mỗi ngày ghi dấu chân hành hương của hàng trăm, hàng nghìn người tới viếng thăm, tri ân sự hy sinh cao cả của những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.
Ông Đào Anh Tuân - Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc chia sẻ, mỗi năm khu di tích đón trên 300.000 du khách tới tham quan, tưởng niệm. Những ngày tháng Bảy này, mỗi ngày, khu di tích đón gần 2.000 lượt khách đến tham quan, dâng hương. Đặc biệt những ngày cao điểm có hơn 3.000 lượt khách.
Thêm một lần hương nữa lên mộ thay lời chào tạm biệt, chúng tôi ra về khi nắng đã dần tắt. Hương thơm của hương, của hoa hòa lẫn trong tiếng chuông ngân vang trong gió. Bước những bước thật chậm, thật nhẹ rời xa mảnh đất từng là ranh giới của sự sống và cái chết năm nào, lòng chúng tôi như sắt lại.
Bầu trời Đồng Lộc hôm nay trong xanh, những cánh đồng lúa xanh bát ngát, con đường nhựa thênh thang rộng mở. Cuộc sống hôm nay đã hồi sinh, đang ngời lên sắc mới. Thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình luôn hướng về Đồng Lộc như một “địa chỉ đỏ” để tri ân, biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh máu xương, tuổi thanh xuân cho dân tộc; để hiểu được giá trị của độc lập, tự do, rèn luyện ý chí, thêm nghị lực sống để cống hiến cho đất nước ngày càng giàu mạnh.
Cùng ngày, đoàn công tác của Báo Công lý đã tổ chức trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tới 2 gia đình ở tỉnh Quảng Trị, trị giá 50 triệu đồng mỗi căn.
Đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập báo Công lý Trần Đức Vinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người đã có nhiều đóng góp và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mong các mẹ giữ gìn sức khỏe, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để con, cháu cũng như thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu, học tập, rèn luyện và noi theo.
Đoàn cũng trao 10 suất quà tặng các con của công chức TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị. Mỗi phần quà gồm 1 chiếc xe đạp trị giá 2 triệu đồng. Nhận quà tặng của Báo Công lý, các em cảm thấy vui và phấn khởi. Những chiếc xe tuy trị giá không lớn nhưng sẽ là phương tiện giúp hành trình đến trường của các em bớt gập ghềnh hơn, tiếp thêm động lực, khích lệ để các em tiếp tục nỗ lực vượt khó vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.
Thực hiện: Tuyết Nhung, Nguyên Thảo
Ảnh: Mai Đỉnh, Nguyễn Dương