Đà Nẵng: Giải quyết dứt điểm “căn bệnh nan y” thiếu trường lớp ở nhiều Khu đô thị mới
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Đà Nẵng diễn ra chiều 18/7, đại biểu Trần Tuấn Lợi (tổ đại biểu HĐND đơn vị quận Cẩm Lệ) đã nêu ra “căn bệnh” thiếu công trình công cộng, hạ tầng xã hội thiết yếu tại các khu đô thị mới…
Theo đại biểu Trần Tuấn Lợi, thời gian qua, việc thiếu các công trình công cộng, hạ tầng xã hội thiết yếu tại các Khu đô thị dẫn đến tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu về đời sống sinh hoạt, học tập và vui chơi của người dân cũng như tình trạng ngập úng, chậm duy tu, bổ dưỡng tại các công trình.
Để giải quyết những bất cập nêu trên, tránh bớt lãng phí nguồn lực đất đai, đáp ứng đời sống nhân dân, đại biểu Trần Tuấn Lợi cho rằng UBND TP. Đà Nẵng cần ban hành chuyên đề riêng. Trong đó đề ra giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng sở ngành và UBND các quận/huyện để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng cũng như ngập úng tại các khu dân cư.
Đồng thời, xem xét yêu cầu UBND các quận/huyện chịu trách nhiệm chính trong việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư các dự án, khu đô thị mới thuộc địa bàn quản lý thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng đảm bảo tiến độ phù hợp với quy hoạch phê duyệt.
“Thành phố cần yêu cầu UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chính trong việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư các dự án Khu đô thị mới thuộc địa bàn quản lý thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác tại dự án, đảm bảo tiến độ, phù hợp với quy hoạch và nội dung của dự án đã được phê duyệt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng theo quy định”, đại biểu Trần Tuấn Lợi nói.
Đại biểu Trần Tuấn Lợi kiến nghị “Đối với các trường hợp cố tình chây ì không triển khai hoặc chậm triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, vi phạm các quy định của pháp luật đầu tư đất đai, UBND thành phố cần xem xét thu hồi đất, thu hồi dự án theo quy định để tổ chức lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm năng, hoặc giao cho UBND cấp quận huyện đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách”.
Hiện nay, rất nhiều dự án tại Đà Nẵng sau khi đưa vào sử dụng thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, tình trạng bỏ quên trường học như dự án FPT… mặc dù có quy hoạch đất xây dựng.
Đơn cử như tại một khu đô thị ở quận Cẩm Lệ, cam kết của nhà đầu tư cũng như quy hoạch có 10 trường học (8 mầm non, 1 tiểu học, 1 THCS). Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, mặc dù dân cư đã rất đông, gần như lấp đầy nhưng ở đây chưa thực hiện một dự án trường học nào. Cũng tại khu đô thị mới này, hiện có 7 khu dân cư chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng.
“Qua làm việc với UBND phường Hòa Xuân cũng như Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ, cảnh báo qua năm 2024 nếu không đầu tư cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên thì tình trạng thiếu trường lớp tại các khu đô thị này rất trầm trọng” – đại biểu Trần Tuấn Lợi thông tin.
Theo ông Lợi, để khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng này cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền thành phố và vai trò giám sát của HĐND thành phố; cần truy xét đến cùng trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan đơn vị cũng như các chủ đầu tư.
“Phần lớn thấy rằng, các chủ đầu tư chỉ tập trung vào xây dựng nhà ở phục vụ cho mục đích kinh doanh, phân lô, bán nền, chưa quan tâm đến xây dựng công trình công cộng phục vụ đời sống của người dân. Vì vậy tôi cho rằng cần có những biện pháp xử lý mạnh, thành phố cũng cần truy xét trách nhiệm từng cá nhân từ khâu phê duyệt dự án đến kiểm tra cách triển khai. Bởi đây là vấn đề tổ chức thi hành pháp luật. Quy định rất rõ nhưng do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy hoạch được phê duyệt đã dẫn đến áp lực rất lớn về giáo dục tại các khu đô thị”, ông Trần Tuấn Lợi nêu ý kiến.
Cũng theo ông Lợi, theo Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia 2019 (quy mô tối thiểu của công trình, dịch vụ cấp đơn vị ở) thì với trường mầm non, cứ 1.000 dân/50 cháu, chỉ tiêu đất là 12m2/cháu; trường tiểu học cứ 1.000 dân/65 học sinh, với chỉ tiêu đất là 10m2/học sinh… Quy định như trên đã rất rõ ràng nhưng do công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch được duyệt còn rất lỏng lẻo nên đã gây áp lực rất lớn về việc phát triển giáo dục tại các Khu đô thị...
Đại biểu Trần Tuấn Lợi nhấn mạnh thêm “Đây có thể coi là thời điểm cấp bách để chính quyền thành phố quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để giải quyết dứt điểm căn bệnh nan y thiếu trường lớp và các công trình hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân”.
Trả lời vấn đề trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết: Nhiều chủ đầu tư dự án khi phê duyệt quy hoạch chi tiết, rao bán thì rất đẹp, đầy đủ chỉ tiêu nhưng khi tổ chức triển khai lại liên tục điều chỉnh và chậm thực hiện các cam kết về đầu tư hạ tầng xã hội. Ông Lương Nguyễn Minh Triết cũng thẳng thẳng chỉ ra quy định ràng buộc trách nhiệm của chính quyền chưa rõ, thanh tra kiểm tra giám sát để làm cho đúng tiến độ cũng có những hạn chế nhất định.
“Khi quy hoạch chi tiết 1/500 làm khu đô thị rất đẹp, có đầy đủ các công trình công cộng nhưng bây giờ người dân đến ở rất nhiều thì trường lớp rất thiếu. Ngân sách bỏ ra xây trường có nhưng không có giáo viên bố trí dẫn đến tình trạng ở chỗ này nhưng con cái đi học chỗ khác và hàng loạt hệ lụy khác.
Đề nghị UBND TP Đà Nẵng sớm ban hành quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư phải thực hiện cam kết trong đúng quy hoạch chi tiết. Đồng thời, phải tăng cường thanh, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện cam kết đối với các dự án”, ông Lương Nguyễn Minh Triết nói.