Xã hội

Quảng Ninh tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người

Trang Vân 18/07/2023 - 18:44

Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh (Ban Chỉ đạo 138/QN) vừa có văn bản đề nghị các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống mua bán người.

quangninh318.7.jpg
Đoàn khảo sát làm việc với các nạn nhân bị mua bán và người di cư hồi hương tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh

Cụ thể, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/QN và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng. Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng sở, ngành, địa phương.

Công an tỉnh phát huy vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/QN trong tham mưu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài và rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người. Tổ chức triển khai có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh (từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 30/9/2023).

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân được giải cứu; tích cực rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân bị mua bán trong số công dân được các lực lượng chức năng trao trả hoặc tự trở về. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng đối đẳng phía Trung Quốc, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người theo thẩm quyền.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác giới thiệu việc làm, đưa nguời lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam... để góp phần chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Rà soát, nghiên cứu những bất cập, hạn chế trong các chính sách, pháp luật liên quan đến nạn nhân bị mua bán (như: Chính sách hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân; hỗ trợ học nghề, học văn hóa, vay vốn; chính sách đặc thù cho các nạn nhân là nữ mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ không có quốc tịch...) để tham mưu hoàn thiện.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người; xây dựng, duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục, chương trình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; đưa nội dung thông tin ngày 30/7 là "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" trên các ấn phẩm, tạp chí...

Trung tâm Truyền thông tỉnh triển khai cao điểm tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người; đa dạng hóa hình thức để thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người, tập trung phát sóng vào khung giờ có nhiều người theo dõi; chủ động xây dựng, phát sóng, đăng tải các tin bài, phóng sự, tọa đàm về chủ đề phòng, chống mua bán người; đưa tin về các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người", "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" trong các bản tin thời sự.

Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến mua bán người. Tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, tính chất vụ việc và địa bàn. Quản lý chặt chẽ, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động kết hôn có yếu tố nước ngoài, cho, nhận con nuôi nhằm chủ động phòng ngừa việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người. Làm tốt công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân bị mua bán.

quangninh418.7.jpg
Công an Trung Quốc bàn giao trẻ sơ sinh bị buôn bán cho Công an Quảng Ninh

Sở Văn hóa, Thể thao và Sở Du lịch tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động du lịch, hoạt động của cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch nhằm chủ động phát hiện việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người; tổ chức, hướng dẫn tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát nội dung, tăng cường thời lượng giáo dục kỹ năng sống, pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học, lứa tuổi, vùng miền. Chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông phòng, chống mua bán người cho học sinh, sinh viên và hướng dẫn học sinh, sinh viên biết cách khai thác, sử dụng mạng xã hội hiệu quả, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa gạt, lôi kéo của tội phạm mua bán người.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người, đảm bảo đúng pháp luật.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, hội viên, đoàn viên, công nhân lao động... tích cực tham gia phòng, chống mua bán người. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chủ đề phòng, chống mua bán người.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh tăng cường công tác giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật phòng, chống mua bán người và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng; nhân rộng mô hình công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng để góp phần ổn định cuộc sống, ổn định thu nhập, giảm nguy cơ, rủi ro mua bán người. Phối hợp với Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh phối hợp tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các mặt công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người; quan tâm thực hiện hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân tại địa phương, giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người (cở sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, cơ sở môi giới giới thiệu việc làm, du học, xuất khẩu lao động...).

Thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người (qua hệ thống thông tin đại chúng, thông tin cơ sở, các trang mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng,...) bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình, phong tục tập quán của từng địa phương, vùng miền; chú trọng vào các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh.

Trang Vân