Cần hơn 738.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ
Theo quy hoạch, vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 342.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 396.500 tỷ đồng.
Nhiều con số ấn tượng
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tham luận về “Giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại”.
Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò rất quan trọng, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bao gồm đầy đủ 5 phương thức vận tải, thuận lợi trong kết nối, giao thương trong nước và quốc tế…
Bên cạnh đó, vùng có tỷ lệ và tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân cư lớn nên cũng đặt ra những thách thức trong quá trình quản lý, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) và đã đạt được những kết quả nhất định.
Về đường bộ cao tốc, đã đưa vào khai thác 103km, đang thi công178km và chuẩn bị khởi công 126km, phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400km đường cao tốc đưa vào khai thác.
Về đường sắt, đang triển khai nâng cấp, cải tạo đường sắt Thống Nhất đoạn Nha Trang - TP.HCM; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương; nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành;
Về đường thủy nội địa, đã đưa vào hoạt động các tuyến vận tải ven biển, nâng cao khối lượng vận chuyển công ten nơ đến các cảng biển, riêng khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải trên 80% lượng hàng hóa thông qua cảng được gom và rút hàng bằng đường thủy nội địa; đang cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu trên các tuyến đường thủy phía Nam, nâng cấp hành lang đường thủy Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối cảng Cái Mép.
Về cảng biển, đã hình thành cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép; đang đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải vào khu bến cảng công ten nơ Cái Mép; nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Về cảng hàng không, đã hoàn thành nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga CHKQT Tân Sơn Nhất; đang gấp rút triển khai thi công CHKQT Long Thành, nhà ga T3 CHKQT Tân Sơn Nhất; nghiên cứu nâng cấp, cải tạo CHK Côn Đảo, Biên Hòa.
Nhìn chung, hệ thống KCHTGT của vùng vẫn còn tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ; các tuyến Vành đai 3, 4 TP.HCM chưa hoàn chỉnh; tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TP.HCM còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô…
5 giải pháp thu hút nguồn lực giao thông
Thời gian qua, triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ nhanh, bền vững, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng và từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế, Bộ GTVT đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch và ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu phát triển KCHTGT, vùng Đông Nam Bộ cần chủ động vượt qua 4 thách thức: Suy thoái kinh tế toàn cầu, sức khỏe doanh nghiệp suy giảm, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước có hạn; thiếu vắng những cơ chế, chính sách đột phá, đủ hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Đồng thời, tận dụng triệt để 3 yếu tố thuận lợi: Là khu vực kinh tế năng động nhất cả nước, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đa dạng trong các lĩnh vực; khu vực luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước; TP.HCM trung tâm của vùng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với nhiều nghị quyết, chương trình hành động, mới đây nhất là Nghị quyết 98 của quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông Vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 60.800 tỷ, ngân sách địa phương 29.700 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp nhà nước 109.000 tỷ đồng, vốn huy động nhà đầu tư 142.500 tỷ đồng); Giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Do đó, Bộ GTVT đề xuất 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai nhằm thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ.
Cụ thể, cần sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ, trong đó tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển KCHTGT đến năm 2030 của vùng; tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển KCHTGT của vùng Đông Nam Bộ để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.
Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển Vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TP.HCM đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Các địa phương trong vùng cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa, để đảm bảo khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông, không để xảy ra tình trạng “cảng chờ đường” gây lãng phí nguồn lực.
Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong vùng tiếp tục phát huy vai trò “năng động, sáng tạo”, “dám nghĩ, dám làm”; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và toàn xã hội; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác đền bù GPMB, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, liên vùng nhất là hạ tầng giao thông.