VQG Tam Đảo: Đừng biến các điểm tham quan thành bãi tắm dã ngoại
Suối Kẹm là một con suối đẹp nằm ở chân Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo thuộc xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Để đảm bảo cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn tiên nhiên và phát triển du lịch, VQG Tam Đảo đã đầu tư xây dựng chốt quản lý và bảo vệ rừng kết hợp phục vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại khu vực suối Kẹm. Tuy nhiên, hiện nay, con suối đang có nguy cơ thành những bãi tắm tự phát, điểm tổ chức các bữa ăn dã ngoại nhếch nhác...
Thu phí tham quan hay thu vé tắm suối?
Thời gian qua, VQG Tam Đảo đã đầu tư xây dựng chốt quản lý và bảo vệ rừng kết hợp phục vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại khu vực suối Kẹm, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và một số tuyến tham quan nhằm phục vụ du khách tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học.
Để đảm bảo cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn tiên nhiên và phát triển du lịch tại VQG Tam Đảo, từ ngày 20/4/2017, Vườn đã tiến hành thu phí các đối tượng khi vào tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học tại khu vực trên. Tuy nhiên, theo ghi nhân của PV, hầu hết các du khách đến đây đa phần không vì mục đích học tập, nghiên cứu mà chủ yếu với mục đích picnic và tắm suối.
Anh Nguyễn Văn Linh (người dân xã La Bằng) cho hay, khu vực suối Kẹm rất đẹp nên nhiều năm nay người dân vào tham quan, ngắm cảnh, tắm suối và ăn uống xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Từ năm 2017, Hạt kiểm lâm VQG Tam Đảo đã đứng ra để thu phí để dọn dẹp vệ sinh.
Ghi nhận thực tế ngày 15/7 của PV Báo Công lý, khi xe của PV vào cổng đã có 1 cán bộ kiểm lâm trực gác ở đây thu 50.000 đồng (bao gồm cả vé xe). Vị này giải thích đây là vé áp dụng cho học sinh, sinh viên (nếu thu đúng phải là 60.000 đồng/người) nên chỉ thu 50.000 cho 2 người là để lấy kinh phí thu dọn vệ sinh môi trường cho Vườn.
Theo tìm hiểu, năm 2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 206/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thăm quan các VQG trong đó có VQG Tam Đảo.
Cụ thể, mức thu phí được quy định: Đối với người lớn: 60.000 đồng/người/lượt; Đối với sinh viên, học sinh (học viên) trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề: 20.000 đồng/người/lượt; Đối với trẻ em; học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông: 10.000 đồng/người/lượt.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Công – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Tam Đảo, cho biết: Từ 2017, VQG triển khai thu phí theo quy định nói trên. "Những khu vực chúng tôi thực hiện thu phí là nằm trong quy hoạch tổng thể của VQG Tam Đảo"- ông Công nói.
Liên quan thông tin người dân phản ánh VQG bán vé tắm suối và việc thu phí đồng giá, ông Công cho rằng đây là phí tham quan vườn quốc gia chứ không phải vé tắm suối. "Với mức thu là 20.000đ/người. Việc thực hiện chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND huyện Đại Từ, Công an huyện Đại Từ, Chi cục thuế huyện Đại Từ và UBND xã La Bằng…”, ông Công cho hay.
Ông Hoàng Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND xã La Bằng nói rằng, việc kiểm lâm bán vé vào khu vực suối Kẹm xã đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh. Tuy nhiên, khu vực suối Kẹm là do Hạt kiểm lâm VQG Tam Đảo quản lý, việc thu phí vào cửa, Hạt kiểm lâm VQG Tam Đảo đúng là có công văn đến UBND xã. Nhưng thực tế thẩm quyền của xã chỉ là phối hợp với vườn quốc gia để kiểm tra, kiểm soát việc chặt phá rừng, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn…
Nguy cơ ô nhiễm môi trường, hiểm họa từ việc tắm suối
Theo quan sát của PV, vào những buổi chiều hè, nhất là những ngày cuối tuần, khu vực suối Kẹm có rất đông người. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, có người biết bơi, có người không nhưng đều dắt nhau xuống suối để "giải nhiệt".
Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, nguy hiểm vì khu vực lòng suối có rất nhiều tảng đá nhấp nhô, trơn trượt; không có phao tiêu và không có lực lượng cứu hộ phòng trường hợp đuối nước.
Nhiều phụ huynh vẫn thoải mái cho con em mình xuống suối bơi mà không trang bị bất cứ phương tiện phòng hộ nào, dễ chủ quan làm nguy cơ trẻ em bị đuối nước .
Chị Nguyễn Thị Dung (xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương) cho biết: Vì con suối rất đẹp, các ngày cuối tuần tôi cũng hay cho con lên đây chơi. Thấy mọi người cũng đưa con, cháu họ ra đây bơi nên tôi cũng cho con mình ra bơi. Ở đây họ có chia khu vực tắm nên cảm thấy không nguy hiểm lắm.
Tại suối Kẹm, du khách sau khi tắm suối đã ăn uống vô tư để các loại hộp đựng thức ăn, túi nhựa và chai nhựa xung quanh khu vực bờ suối. Trong khi tại trạm kiểm lâm suối Kẹm chỉ có 2 người trông coi nên để vừa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng vừa phải bán vé, thu gom rác thải gần như là việc rất khó.
PV ghi nhận có một số điểm rác thải được mang lên tập kết và đốt ngay tại bìa rừng. Các loại rác thải sinh hoạt bị đốt không hết gây mùi hôi thối, ruồi nhặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan của rừng, ảnh hưởng đến các loài động, thực vật tại Vườn.
Bên cạnh đó, việc du khách tụ tập đốt lửa nướng đồ và đốt rác còn tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến cháy rừng.
VQG Tam Đảo là đơn vị sự nghiệp thuộc Cục Kiểm lâm, có chức năng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái; giáo dục môi trường theo quy hoạch và pháp luật.
VQG Tam Đảo có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có kinh phí hoạt động, được mở tài khoản theo quy định của pháp luật.