Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị
Chính trị - Ngày đăng : 10:58, 17/07/2023
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng.
Tạo tiền đề, nền tảng vững chắc và đột phá thực hiện thắng lợi mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang cho biết, năm 2023 là năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khoá XVII và Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của HĐND tỉnh Quảng Trị. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã đi qua hơn nửa chặng đường trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhân đôi thách thức.
Do đó, yêu cầu trọng tâm đặt ra tại kỳ họp lần này là, HĐND tỉnh tập trung xem xét, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 gắn liền với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nửa đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025; xác định một số biện pháp, nhiệm vụ chủ yếu của 6 tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc và đột phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu cho cả giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là đưa tỉnh Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình cao của cả nước", Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Cùng với đó, Kỳ họp sẽ thảo luận và quyết định các nội dung quan trọng khác, bao gồm 3 nhóm nội dung:
Về đầu tư công, HĐND tỉnh sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư 15 nội dung; điều chỉnh chủ trương đầu tư; điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2021-2025; điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2023; kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023; bổ sung vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đề nghị các đại biểu xem xét trên tinh thần linh hoạt, sử dụng hiệu quả, giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công nhưng phải bảo đảm tính kế hoạch, tính chiến lược, không vì kế hoạch ngắn hạn, giới hạn khuôn khổ của từng nguồn vốn mà làm mất tính cân đối của trung hạn. Nhất là nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất sẽ sụt giảm nhưng không để biên độ giao động quá lớn, tránh tình trạng dồn vốn vào cuối kỳ kế hoạch năm 2025; không vì khó khăn hiện tại mà đưa ra các giải pháp thiếu tính dài hạn. Cần rà soát tổng thể, toàn diện, tính toán, cần nhắc đầy đủ, tuân thủ sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Về ngân sách, cơ chế chính sách địa phương, có 9 nội dung về sửa đổi chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thuộc đội tuyển năng khiếu tỉnh, đội tuyển thể thao người khuyết tật tỉnh và các đội tuyển cấp huyện đang tập trung tập huấn, thi đấu các giải thể thao; hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh; quy định nội dung chi, mức chi cho công tác y tế - dân số; quy định nội dung, mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sinh viên nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; quy định mức thu, miễn, giảm, chế độ thu nộp các khoản phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến; quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán các nguồn vốn được lồng ghép thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; phê chuẩn điều chỉnh quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2021; điều chỉnh kế hoạch tài chính công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Về chủ trương thu hồi đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có 64 dự án cần thu hồi đất, với diện tích 130 ha; 15 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, với diện tích 13 ha và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng gần 6 ha. Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đề nghị HĐND tỉnh xem xét bảo đảm quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các dự án, nhưng không để xảy ra tình trạng lợi ích cục bộ, hoặc trở thành quy hoạch treo. Đồng thời, xem xét việc thực hiện giải pháp bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đang thiếu đất; giải pháp giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của pháp luật.
Cũng tại Kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào Chương trình giám sát năm 2024 của HĐND tỉnh; xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND, các cơ quan tư pháp và cơ quan khác theo luật định; kiện toàn các chức danh do HĐND tỉnh bầu đối với Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách và Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh.
Tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh Quảng Trị
Tại phiên khai mạc Kỳ họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã trình bày Tờ trình chung về các nội dung UBND tỉnh trình HĐND tại Kỳ họp này và báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ chủ yếu 6 tháng cuối năm.
Các báo cáo tại Kỳ họp cho thấy, ngay từ những ngày đầu năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết tâm cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng hành ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế tỉnh nhà đã có những bước phát triển quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tính tăng 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 4 năm trở lại đây. Với mức tăng trưởng này, Quảng Trị đứng thứ 24 của cả nước và thứ 7 trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đây là tín hiệu rất tích cực và đáng phấn khởi về khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh.
Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 22,81%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,81%; khu vực dịch vụ chiếm 47,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,21%. Nông nghiệp được mùa toàn diện; công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ có bước phát triển; các dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có mặt chuyển biến tích cực; các sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, lần nữa kể lại ký ức không hề phai mờ của nhiều thế hệ cũng như những đổi thay trên mảnh đất Quảng Trị yêu thương.
Đồng thời, khơi dậy và phát huy sức mạnh nội sinh để góp phần xây dựng Quảng Trị, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc. Các nhiệm vụ giáo dục đào tạo, văn hóa thể thao du lịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Việc thực hiện 3 chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố và tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được duy trì và phát triển.
Tuy nhiên, nền kinh tế tỉnh Quảng Trị vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn như: Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tính tăng 6,52% nhưng quy mô tăng trưởng thấp, nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; cơ cấu giữa ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp chuyển dịch chưa phù hợp so với mục tiêu đề ra. Tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn chậm, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế xã hội.
Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục hồi chậm; chính sách tiền tệ được nới lỏng, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt thấp. Thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, một số nguồn thu có quy mô lớn nay đã sụt giảm, không phát sinh doanh thu chịu thuế; không có nguồn thu đột biến; thu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất giảm sâu, thị trường bất động sản ngừng trệ, khả năng thanh khoản thấp.
Khó khăn của ngành y tế ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân, quyền lợi hợp pháp của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Vai trò quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương nhiều mặt thiếu đồng bộ, phản ứng chính sách còn chậm; một số bộ phận cán bộ đang còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong xử lý công vụ...
Trong 6 tháng cuối năm, Quảng Trị sẽ tập trung: hoàn thành quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ưu tiên quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng, Khu công nghiệp, khu chức năng trong Khu Kinh tế; tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, nhất là đất đai và khoáng sản, tập trung giải quyết những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ địa chính, thu hồi và bàn giao đất rừng từ các tổ chức về địa phương, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm, nhất là cao tốc Bắc Nam Cam Lộ - Vạn Ninh, Khu công nghiệp Quảng Trị, sân bay, cảng biển; tập trung chỉ đạo sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ thủ tục đầu tư cho các dự án trọng điểm; tiếp tục triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gắn với thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực văn hóa xã hội; tăng cường công tác quốc phòng-an ninh, tư pháp, nội chính và phòng chống tham nhũng tiêu cực, sức mạnh của khu vực phòng thủ gắn với Diễn tập Khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh năm 2023 và kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế.