TP.HCM ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 98
TP.HCM đã ban hành quyết định về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách thí điểm được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết của Quốc hội, UBND TP.HCM xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, Chỉ thị số 27-CT/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 18/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM.
Trong đó, TP.HCM xác định mục tiêu nhằm thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các cơ chế chính sách đặc thù, khơi thông các nguồn lực kinh tế, tháo gỡ các điểm nghẽn về quy định pháp luật, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Thực hiện trách nhiệm của UBND TP.HCM được giao tại khoản 4 Điều 11 Nghị quyết trong công tác xây dựng, ban hành văn bản cụ thể hóa chính sách quy định tại Nghị quyết.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nội dung phân cấp, phân quyền của HĐND và UBND TP.HCM nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đồng thời, bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của Thành phố và các cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Qua đó, nâng cao hiệu quả phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố với tinh thần: “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”.
TP.HCM yêu cầu cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ thực hiện cho các sở ngành thành phố, các doanh nghiệp thuộc UBND TP, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện trên địa bàn; xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của thành phố và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước.
Triển khai các nội dung Nghị quyết của Quốc hội gắn với Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố, Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Kế hoạch, UBND TP.HCM phân thành 2 nhóm nhiệm vụ cho sở, ngành, gồm 28 tờ trình phải trình HĐND TP.HCM thông qua và 25 nhiệm vụ trình UBND TP.HCM quyết định.
Các nhiệm vụ tương ứng với 7 lĩnh vực gồm quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Trong đó, nhiều đề án được UBND TP.HCM phân công các sở, ngành phải hoàn thành trong tháng 8, tháng 9 để tham mưu.
Cụ thể, Sở Quy hoạch và Kiến trúc phải trình quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật những dự án đầu tư công độc lập vùng phụ cận các nhà ga đường sắt đô thị và nút giao thông dọc tuyến Vành đai 3.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) trình quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT.
Sở KH & ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu Đề án thực hiện phương thức đối tác công - tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa.
Sở Giao thông vận tải trình đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).
Liên quan đến việc tổ chức bộ máy, trong tháng 7 này, Sở Nội vụ phải trình kế hoạch bổ sung phó chủ tịch HĐND TP Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và 3 huyện cũng như Phó Chủ tịch cấp xã có dân số 50.000 người trở lên.
Sở Tài chính tham mưu tờ trình bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan trung ương trên địa bàn để UBND Thành phố trình lên HĐND Thành phố.
Trong tháng 8, UBND TP Thủ Đức chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ trình đề án thành lập Ban Đô thị thuộc HĐND TP Thủ Đức.
Tháng 9, Sở Nội vụ trình dự thảo quyết định ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp tình hình thực tiễn. Đồng thời, trình dự thảo quyết định ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Cũng trong tháng 9, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham mưu tờ trình thành lập Sở An toàn thực phẩm để UBND Thành phố trình lên HĐND Thành phố. Sau khi được thành lập, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên có Sở An toàn thực phẩm.
TP.HCM yêu cầu các sở ngành thành phố, doanh nghiệp thuộc thành phố, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tùy tình hình và điều kiện, chủ động tổ chức hội nghị hoặc phổ biến quán triệt, triển khai Nghị quyết của Quốc hội đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các cá nhân, tổ chức bằng những hình thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, địa phương trong tham gia thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND TP.HCM nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố phát huy vai trò nòng cốt thực hiện công tác giám sát quá trình thực thi công vụ; chú trọng công tác nắm tình hình dư luận nhân dân; lấy ý kiến, rà soát, bổ sung các quy định và đề nghị phản biện xã hội đối với những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần tăng tính đồng thuận của nhân dân trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.