Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Chính trị - Ngày đăng : 10:21, 16/07/2023
Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng.
Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và cán bộ, lãnh đạo chủ chốt.
Bảo tồn phải song hành với phát triển
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bày tỏ vui mừng nhận thấy mỗi lần quay trở lại đều thấy Thừa Thiên Huế có những bước phát triển mới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết với mong muốn từ lâu sẽ phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản. “Trung ương rất trăn trở, chúng ta đã tìm được định hướng phát triển cho Thừa Thiên Huế. Đô thị di sản thì không nhất thiết phải đáp ứng các tiêu chí đô thị trực thuộc Trung ương, nhưng nguồn lực thực hiện cũng còn nhiều khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cho biết, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi và ban hành các Nghị quyết mới về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khi sửa đổi, ban hành 2 Nghị quyết này thì một trong những tiêu chí quan trọng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là Thừa Thiên Huế có khả năng đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 hay không.
Nhấn mạnh, việc thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị có ý nghĩa lịch sử đối với địa phương và cũng rất quan trọng với cả nước, hiện các cấp, ngành đều đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu này, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, vấn đề trăn trở nhất đối với những địa phương có nhiều di sản như Thừa Thiên Huế là làm thế nào để vừa gìn giữ, bảo tồn vừa phát huy được các giá trị của di sản, bảo tồn phải song hành với phát triển.
Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành 4 trung tâm giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ, y tế
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 5/15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch; 6 chỉ tiêu khả năng đạt và 4 chỉ tiêu khó đạt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 7,3%/năm, trong đó, 6 tháng đầu năm nay đạt 6,51%, là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt gần 2.700 USD, tăng gần 1,2 lần so với năm 2020. Thu ngân sách tăng bình quân 12,5%/năm, năm 2023 ước đạt 13.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng bình quân 13,6%/năm. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, phát triển hệ thống kết cấu trọng yếu. Triển khai nhiều công trình, dự án có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 3 năm ước đạt ước đạt trên 84.000 tỷ đồng, tăng bình quân 8,3%/năm.
Tỉnh thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Toàn tỉnh có 67/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,3%. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm còn 2,79%. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được chú trọng. Giai đoạn 2021 - 2023, giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động; có 2.098 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị vàNghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương xây dựng, hoàn thiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tỉnh ủyThừa Thiên Huế đã ban hành Chương trình hành động về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời, đã ban hành các nghị quyết chuyên đề xây dựng tỉnh thành 4 trung tâm giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ, y tế; về công tác giảm nghèo bền vững, phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển huyện Phong Điền, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, đề án quan trọng như: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế; Đề án xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.
Theo đó, đến năm 2025: Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 9 đơn vị hành chính với 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Đến năm 2030: Thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương, có 9 đơn vị hành chính với 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện.
Báo cáo cụ thể về thực hiện Nghị quyết số 38 của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quỹ bảo tồn di sản Huế đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp và đã tiếp nhận hơn 7,5 tỷ đồng, hiện đã sử dụng quỹ này trùng tu công trình Lăng mộ Bà Từ Dũ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022 không phát sinh nguồn thu phí tham quan di tích nộp ngân sách nhà nước. Năm 2023, HĐND tỉnh đã giao dự toán nguồn thu phí tham quan di tích nộp ngân sách nhà nước là 110 tỷ đồng và giao dự toán chi đầu tư tương ứng để thực hiện các dự án đầu tư trùng tu di tích.
Với mức dư nợ vay tăng lên 40%, mức dư nợ vay của địa phương năm 2022 và năm 2023 là gần 3.500 tỷ đồng, tăng 1.700 tỷ đồng; tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các dự án ODA đang triển khai và thực hiện thêm một số dự án vay mới nhằm có thêm nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỉnh lên thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thu từ xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 625 tỷ đồng, tuy nhiên, thuế nhập khẩu, xuất khẩu chỉ đạt 96 tỷ đồng. Như vậy, trong điều kiện ngân sách Trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương, theo cơ chế chính sách trên thì địa phương được bổ sung thêm khoảng 5 tỷ đồng, tuy chưa nhiều song góp phần bổ sung nguồn lực đầu tư các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương. Nhằm phát huy hiệu quả cơ chế đặc thù này, ngày 07/9/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế; dự kiến nguồn tăng thuế xuất, nhập khẩu giai đoạn 2021 - 2025 của Tỉnh là 200 tỷ đồng, tỉnh được hưởng từ chính sách 140 tỷ đồng.
Dự toán chi thường xuyên năm 2022 của Tỉnh đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao tăng 45% số chi tính theo định mức dân số, tương đương khoảng 350 tỷ đồng so với năm 2021. Dự toán chi thường xuyên năm 2023 là 7.736 tỷ đồng, tăng 359 tỷ đồng so với dự toán năm 2022. Phần tăng thêm này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết phân bổ dự toán NSNN năm 2022 và năm 2023 thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội; trong đó, đã ưu tiên tăng kinh phí sự nghiệp cho những lĩnh vực quan trọng như kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành giáo dục, chương trình đổi mới sách giao khoa; kinh phí bão dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông, thủy lợi, cây xanh cảnh quan, điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường, bảo tồn di sản; ưu tiên đối với vùng miền núi, vùng cao, vùng có tình hình an ninh trật tự phức tạp và kiến thiết thị chính đô thị.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã tới dâng hương, trồng cây lưu niệm tại di tích Đàn Nam Giao, phường Trường An, thành phố Huế. Đây là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ Tế Giao, lễ tế trời đất vào mùa xuân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.