Băn khoăn về thủ tục hoàn công nhà đã xây kiên cố và có sổ đỏ
Quy trình thủ tục thực hiện hoàn công nhà ở và giải quyết tranh chấp do xây dựng lấn chiếm là một trong những vấn đề được nhiều người dân quan tâm.
Anh Nguyễn Văn Thắng (Nghệ An) hỏi: Năm 2022, tôi mua nhà đất xây sẵn, trong đó 30m sử dụng riêng và 15m sử dụng chung. Trên diện tích 30m riêng đã có nhà 5 tầng kiên cố xây năm 2020. Sổ đỏ hiện đang đứng tên tôi. Tuy nhiên, do chủ cũ không bàn giao giấy phép xây dựng nên tôi không biết nhà của tôi có giấy phép xây dựng hay không vì nhà chưa hoàn công nên sổ đỏ không ghi nhận nhà ? Xin hỏi, bây giờ tôi muốn muốn thực hiện hoàn công nhà thì quy trình như thế nào? Ngoài ra, nhà hàng xóm xây dựng lấn chiếm diện tích trên không phần diện tích sử dụng chung (ban công từ tầng 2) tôi phải làm sao?
Trả lời: Về vấn đề này, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết:
Thứ nhất: Thủ tục hoàn công nhà xây từ 5 tầng trở lên
Nghị Định 06/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng tại Điều 21. Nghiệm thu công việc xây dựng quy định:
1/ Căn cứ vào kế hoạch thí nghiệm, kiểm tra đối với các công việc xây dựng và tiến độ thi công thực tế trên công trường, người trực tiếp giám sát thi công xây dựng công trình và người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của nhà thầu thi công xây dựng công trình thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng công việc xây dựng đã được thi công, nghiệm thu; kết quả nghiệm thu được xác nhận bằng biên bản.
2/ Người giám sát thi công xây dựng công trình phải căn cứ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng, các kết quả kiểm tra, thí nghiệm chất lượng vật liệu, thiết bị được thực hiện trong quá trình thi công xây dựng có liên quan đến đối tượng nghiệm thu để kiểm tra các công việc xây dựng được yêu cầu nghiệm thu.
3/ Người giám sát thi công xây dựng phải thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng trong khoảng thời gian không quá 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị nghiệm thu công việc xây dựng của nhà thầu thi công xây dựng. Trường hợp không đồng ý nghiệm thu phải thông báo lý do bằng văn bản cho nhà thầu thi công xây dựng.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên việc nghiệm thu sẽ do đơn vị có chức năng thực hiện bao gồm hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, biên bản nghiệm thu. Bạn liên hệ với chủ nhà để nhận các hồ sơ về thi công công trình và biên bản nghiệm thu sau đó nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên môi trường để cập nhật thông tin nhà ở vào sổ đỏ.
Thứ hai: Xử lý ra sao khi hàng xóm lấn chiếm diện tích trên không?
Luật Đất đai quy định cụ thể quy trình giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại điều 203 Luật Đất đai 2013. Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
Trường hợp các bên tranh chấp không hòa giải được thì đương sự gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.
Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Đối với tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã không thành, mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì do TAND giải quyết.