Đời sống

Độc đáo nghề dệt cói làng Phượng Lịch

Trần Tú - Mai Giang 15/07/2023 - 21:11

Nghệ An là vùng đất nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống như dệt vải, thêu ren, đan cói. Trong các nghề này, nghề đan cói dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng vẫn được bà con gìn giữ và phát huy tạo ra sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo, thân thiện với môi trường.

Xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An) được thiên nhiên ban tặng một loại cây đặc biệt - đó chính là cây cói.

lang-nghe-3.jpg
Bà Lý đang phơi cói cho khô để có màu sắc đẹp

Theo lời người dân trong vùng kể lại, cây cói đã có ở Diễn Hoa từ rất lâu. Trải qua cả trăm năm, những bãi bồi ven sông Bùng đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông. Phát huy lợi thế này, người dân Diễn Hoa từ xưa đã lấy nghề đan cói làm kế sinh nhai qua bao thế hệ.

Mùa cói chiêm thu hoạch vào tháng Năm, cói mùa thu hoạch vào tháng Mười (âm lịch). Lúc hoa vẹt nở trắng trên những bãi bồi ven sông Bùng cũng là lúc người nông dân bắt đầu cắt cây cói ngoài đồng về.

Từ những sợi cói dài loằng ngoằng tưởng như không có nhiều giá trị, nhưng qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người dân nơi đây đã trở thành những sản phẩm thủ công nhiều công dụng, có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.

lang-nghe-5.jpg
Những tấm cói đã hoàn thiện được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đến đầu làng xóm 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, đã nghe râm ran tiếng rải cói phơi, giã cói, tiếng đan lách tách tại nhà văn hóa. Những người con khéo léo của đất nghề từ các em nhỏ tới các bậc cao niên, rồi những bà, những cô, những cậu... đang thoăn thoắt tay buộc, tay đan.

Bà Nguyễn Thị Lý vừa nhanh tay hoàn thành tấm cói vừa chia sẻ: "Bà đã là thế hệ thứ 4 theo nghề dệt cói. Nghề này không ai bày ai cả. Khi còn nhỏ, bế em đi chơi nhìn các bà, các mẹ đan là mình làm được luôn. Làm nghề là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ từ thu hoạch cói, chọn cói, phơi cói, giã cói… cho đến khâu cuối cùng là đan và hoàn thiện sản phẩm".

Nghề dệt cói gắn liền với thiên nhiên, bởi nguyên liệu để làm nên những sản phẩm từ cói cũng giản dị như thiên nhiên ở vùng đất này. Giờ đây, tuy không còn cảnh cả làng hay cả xã tập trung sản xuất các mặt hàng từ cây cói, nhưng trong làng nghề vẫn còn rất nhiều hộ gia đình “cha truyền, con nối” yêu mến, gìn giữ nghề truyền thống từ đời ông, cha ta để lại.

Cùng với dòng chảy của thời gian, họ vẫn cần cù, miệt mài sáng tạo ra sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo, thân thiện với môi trường để trao đổi thương mại và lưu giữ các giá trị văn hoá, lịch sử của làng nghề thủ công truyền thống. Do vậy, nghề này tuy cực nhọc mà không hề mai một.

lang-nghe-4.jpg
Bà con trong làng tập trung dệt cói lúc nông nhàn.

Hiện nay, Diễn Hoa có 20 hộ dệt cói, tập trung ở địa bàn xóm 6. Tuy là nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn nhưng thu nhập cũng khá. Bình quân mỗi người đan được 5 tấm cói, thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.

Những tấm cói dân dã của bà con làng nghề được tiêu thụ ở nhiều nơi như thành phố Vinh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.... Sản phẩm được dùng để đựng thức ăn, ủ ấm đồ uống, che đậy hàng hóa hay tiếp tục được dùng để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất thân thiện với môi trường và đảm bảo vệ sinh như túi xách, hộp đựng đồ, bì đựng thực phẩm, làn đi chợ...

Bà Đặng Thị Chính năm nay đã 70 tuổi nhưng đã có tới 60 năm làm nghề. Có thể nói, bà là người làm nghề giỏi nhất làng. Có ngày bà Chính làm được tới 10 tấm cói, thu nhập tới 200.000 đồng.

Miệng nhai trầu, tay vẫn thoăn thoắt dệt cói, bà chia sẻ: Mất chồng từ năm 37 tuổi nhưng nhờ nghề đan cói mà một mình bà nuôi được ba người con trưởng thành. Trước đây, ngoài công việc đồng áng cứ tranh thủ khi con ngủ là dệt cói.

Mình cứ theo nghề mãi, rồi truyền nghề lại cho một số cháu trong xóm. Làm nghề thì cần một bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao và đam mê nghề nghiệp.

Ông Cao Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Hoa trao đổi: Nghề dệt cói giúp bà con Diễn Hoa có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Vì sản phẩm rất thân thiện với môi trường nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng; làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Tiến tới để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chúng tôi khuyến khích các hộ dân trồng cói, đồng thời đề nghị với huyện Diễn Châu khảo sát để công nhận làng nghề cho bà con.

Trần Tú - Mai Giang