Di dời linh vật ngoại lai: Vẫn còn thương tiếc!
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 12/01/2015
Nhiều linh vật vẫn trơ gan
Khoảng hơn 10 năm nay, những hiện vật, mẫu linh vật lạ du nhập ồ ạt vào các di tích lịch sử, công sở. Theo thống kê những linh vật lạ (sư tử đá) được đưa vào các đình chùa, miếu mạo chủ yếu là đồ cung tiến.
Đã có thời gian, việc cung tiến sư tử đá đã trở thành "mốt" của những "đại gia" lắm tiền nhiều của. Có thể những người cung tiến ấy chỉ xuất phát từ cái tâm, sự thành kính nhưng nó lại được coi là "lệch chuẩn văn hóa Việt".
Ngày 8/8/2014, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã có công văn số 2662/BVHTTDL - MTNATL gửi các Ban, Bộ, Ngành, Sở VHTTDL các tỉnh/thành, các cơ quan đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Sau 5 tháng ban hành công văn trên, nhiều đền chùa, cổng làng, khu di tích đã thực hiện nghiêm túc và di dời sớm nhất những linh vật ngoại lai, điển hình như chùa Một Cột, chùa Trung Kính Thượng, hay Đền Đô (Bắc Ninh), các cơ quan quản lý đã kiên quyết đưa cặp sư tử đá ra khỏi di tích.
Đông Miếu hơn 600 năm tuổi ở làng Cót - Cầu Giấy đã thực hiện di dời đôi sư tử đá sau khi công văn được ban hành, hay đôi sư tử đá trước cổng làng Mễ Trì cũng đã được lãnh đạo địa phương cho di dời và thay vào đó bằng đôi chó đá.
Nhưng, bên cạnh sự ủng hộ thì nhiều tổ chức, cá nhân vẫn còn chưa muốn di dời hoặc còn loay hoay với việc xử lý và di chuyển những linh vật này.
Vẫn còn rất nhiều linh vật ngoại lai còn chưa được di rời theo công văn 2662
Ngay tại Hà Nội, ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp đôi sư tử đá Trung Quốc nhe răng, giơ móng vuốt ở nhiều chùa, miếu hay tại các cổng làng, trong đó đôi sư tử đá Trung Quốc oai vệ vẫn đang án ngữ trước cổng chùa Cót (số 188 phố Yên Hòa, Yên Hòa, quận Cầu Giấy) hay tại cổng làng Phú Mỹ (Từ Liêm, Hà Nội) một đôi sư tử đá cũng được người dân đặt ngay phía trên hai bên trụ cổng vào làng.
Được biết, tại chùa Cót, đôi sư tử đá này đã được đặt ở đây khá lâu và do một gia đình công đức. Tuy nhiên, kể từ khi có công văn yêu cầu di dời thì nhà chùa cũng rất băn khoăn và chưa biết xử lý sao nên vẫn để vậy.
Một số chùa và cơ quan dọc phố Bà Triệu cũng có không ít sư tử đá Trung Quốc kích cỡ lớn án ngữ cửa các tòa nhà.
Việc nhiều toà nhà, công ty trước cổng có sử dụng các linh vật ngoại lai đều cho rằng, họ trưng bày chỉ với mục đích làm đẹp và tăng sự uy nghi cho tòa nhà chứ không thấy ảnh hưởng gì.
Sau khi công văn được ban hành thì nhiều người lại băn khoăn, nếu di dời thì bỏ đi đâu và làm thế nào, liệu có hướng giải quyết khác ngoài việc bỏ đi không? Bởi những con sư tử đá này cũng được họ mua khá đắt tiền.
Không chỉ ở riêng Hà Nội, tại một số nơi ở các địa phương khác như: Chùa Hà Tiên (Vĩnh Phúc), bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, đường lên chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) cũng có sư tử đá kiểu Trung Quốc, châu Âu án ngữ. Hầu hết hiện vật có nguồn gốc ngoại lai là do người dân cúng tiến.
Rõ ràng những di tích mang tầm cỡ quốc gia, tuyệt đối không được thêm bớt bất cứ thứ gì. Và những linh vật ngoại lai kia cần sớm được loại bỏ và thay thế bằng những linh vật thuần Việt, góp phần giữ gìn nền văn hoá Việt, chống lại sự “xâm lăng” mạnh mẽ của các linh vật ngoại lai như nhiều năm trở lại đây.
Ngừng chế tác linh vật ngoại lai
Được biết nguồn gốc của sư tử đá thực chất là từ những đơn đặt hàng của người nước ngoài với những cơ sở, làng nghề chế tác trong nước, khi hoàn thành, các lô hàng trong đó có sư tử đá được xuất đi, lúc đó mẫu của những sản phẩm có sẵn, các cơ sở này lại tiếp tục sản xuất và bày bán ở trong nước. Với tâm lý "sính ngoại", ưa hình thức, thích phô trương các mẫu sư tử có nguồn gốc từ nước ngoài này được "rước" vào đình chùa.
Sau khi công văn được ban hành, linh vật ngoại lai dần được loại bỏ, tại làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình) đã ngừng chế tác các linh vật ngoại lai, trong đó có sư tử đá.
Dọc con đường vào làng nghề chế tác đá Ninh Vân, hai bên đường nhan nhản lăng mộ, cây hương đá…xen cạnh đó là rất nhiều linh vật “ngoại lai” như sư tử đá mang phong cách châu Âu, nghê Trung Quốc nằm ngổn ngang, mốc xanh vì không có người mua.
Những linh vật ngoại lai "ế ẩm" không có khách mua tại các cơ sở sản xuất
Anh Thanh, một chủ xưởng chế tác đá chia sẻ: “Trước đây thấy mặt hàng linh vật ngoại lai bán chạy, các cơ sở đua nhau chế tác, đầu tư hàng chục cặp lớn để dự trữ hàng, nhưng mấy tháng trở lại đây, chẳng khách nào đến đặt mua. Khác với trước đây, trung bình mỗi tuần tiếp đến vài ba mối đến liên hệ”.
Được biết các trường hợp khách hàng hủy hợp đồng không phải là hiếm, đa phần họ chấp nhận mất tiền đặt cọc làm trước đó, nhưng với công sức, tiền bạc, các cơ sở đã phải bỏ ra để làm một sản phẩm như vậy thì cái tiền đặt cọc cũng chẳng đủ vốn.
“Vì tiếc tiền nguyên liệu nên những linh vật ngoại lai bị bỏ đi chúng tôi cố đục đẽo, gia công và sản xuất ra những linh vật hình dáng hiền lành hơn. Chúng tôi nghĩ những mẫu này có thể chấp nhận được. Còn việc những mẫu này có phù hợp với thuần phong mỹ tục của nước ta hay không thì rất mong có sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng” , nhiều chủ cơ sở sản xuất tại làng đá Ninh Vân chia sẻ.
Hiện nay, hầu như không còn cơ sở nào ở Ninh Vân làm “Nghê tàu” hay sư tử đá nữa, mà chủ yếu tập trung vào sản xuất các mặt hàng thiết thực hơn như cột đá, đồ thờ cúng.
Bên cạnh đó lượng khách đặt làm các linh vật nội ngày càng nhiều, các đền, chùa thì chủ yếu đặt làm nghê đá, còn cá nhân thì chủ yếu đặt sư tử đá nhưng là mẫu sư tử “hiền lành” chứ không phải là mẫu sư tử nhe nanh, giơ vuốt như trước đây nữa.