Dấu ấn người “trở về”

Chính trị - Ngày đăng : 07:12, 07/04/2016

9 năm 10 tháng của 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã để lại không ít dấu ấn và chiều qua (6/4) – Quốc hội chính thức miễn nhiệm chức danh lãnh đạo của ông thì đại biểu, người dân lại thêm một lần dành cảm tình cho ông.

Miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ là một thủ tục trong công tác nhân sự được tiến hành theo nguyên tắc của Hiến pháp đất nước, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội. Thế nhưng gần 10 năm trong 2 nhiệm kỳ trên cương vị Thủ tướng Chính phủ - người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, người phải chịu trách nhiệm chèo lái con thuyền đất nước qua những vận hội, thời cơ cũng như thách thức, khó khăn để có thể hòa mình vào dòng chảy của khu vực và thế giới thì không thể nói là không lắm tâm tư.

Dấu ấn người “trở về”

Ông Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu, khách mời thân mật bắt tay chào hỏi nhau. Ảnh Zing

Điều mà nguyên Thủ tướng để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ của ông cũng là một trong những điều quan trọng nhất, đó chính là niềm tin của người dân đối với một lãnh đạo cao cấp. Như đại biểu Đỗ Văn Vẻ đã nói gọn trong mấy câu “chỉ số niềm tin trong nhân dân đã tăng lên”. Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ phân tích, ở đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng, mỗi người đều nhận thấy còn có nhiều mông lung, trong khi chỉ số lạm phát, chỉ số niềm tin của nhân dân giảm sút nhiều. Nhưng sau qua kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, sau khi kiện toàn bộ máy nhân sự trong đó Thủ tướng và Phó Thủ tướng, qua 5 năm nhiệm kỳ đã cho thấy rất rõ vai trò điều hành của Chính phủ. Trong đó có dấu ấn quan trọng đó là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế có sự tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt là 2015 có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 5 năm. Chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống ở mức thấp nhất trong tầm kiểm soát, lãi suất ngân hàng giảm tới 5%, bằng và tương đương lãi suất năm 2008. Thị trường vàng USD đã kiểm soát được. giá cả xăng dầu chuyển dần theo cơ chế thị trường. Tình hình kinh tế ổn định hơn so với những năm trước, Chỉ số niềm tin trong nhân dân tăng lên.

Cũng không phải không có những điều đại biểu còn băn khoăn, giá như nguyên Thủ tướng quyết liệt hơn, kiên quyết hơn thì tình hình đất nước khá hơn, ví như những vấn đề quản lý ngân sách, cải cách hành chính, hay ngay cả đấu tranh phòng chống tham nhũng… Nhưng “nhân vô thập toàn” huống hồ lãnh đạo đất nước sao tránh khỏi những điều còn chưa đúng, chưa đủ với dân, với nước. Đó cũng chẳng phải chuyện hiếm chưa gặp ở ta sao. Hơn nữa, trong bài viết này chúng tôi không có ý định đề cập sâu tới những gì trong gần 10 năm qua Thủ tướng cùng những thành viên Chính phủ đã làm và chưa làm được gì. Bởi lẽ, những điều ấy đã được phân tich, chỉ rõ tại báo cáo công tác nhiệm kỳ dài gần 20 trang mà nguyên Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội mới đây. Chúng tôi chỉ muốn đề cập ở đây phong thái và hình ảnh của một vị nguyên thủ khi chia tay với mọi người, rời chức vụ lãnh đạo để trở về làm một công dân trong đời sống thường nhật.

Cách ông chia sẻ với những người ở lại tiếp tục công tác và cả những người cùng ông kết thúc nhiệm kỳ này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016-phiên họp cuối cùng trên cương vị ngươi đứng đầu Chính phủ trước đó, ông nói rằng, sau 9 năm 10 tháng giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, ông sẽ được Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho thôi đảm nhận nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ để nghỉ theo chế độ.

Nhân dịp đó, ông đã gửi lời cảm ơn chân thành tới các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ đã hết sức ủng hộ; cảm ơn tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ; các chuyên gia trong Tổ tư vấn của Thủ tướng đã nỗ lực hết mình trong công tác tham mưu, giúp việc, bảo đảm hậu cần để cá nhân Thủ tướng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó với tư cách là người đứng đầu Chính phủ trong 2 nhiệm kỳ qua.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chúc các thành viên Chính phủ tiếp tục ở lại công tác trong Chính phủ, các thành viên Chính phủ được giao các trọng trách khác tiếp tục hoàn thành xuất sắc những nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nguyên Thủ tướng cũng chúc các đồng chí thành viên Chính phủ dịp này được nghỉ theo chế độ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Dấu ấn người “trở về”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các vị đại biểu bên hành lang Quốc hội sau khi Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm ông. Ảnh: Mỹ An

Hay cái cách ông tâm sự với báo chí sáng 6/4 - khi Quốc hội bàn thảo chuyện miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ đối với ông - về cảm nghĩ của mình: Tôi rất thanh thản. Sau gần 55 năm chiến đấu, công tác, được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chính sách, được trở về sống với đời thường, được thường xuyên quây quần với gia đình con cháu và được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, đang trên đà hội nhập, phát triển và sánh vai với bạn bè trên thế giới. Tôi cảm thấy hạnh phúc.

Tôi chân thành cảm ơn những tình cảm cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế. Tôi luôn biết ơn sự hy sinh to lớn của đồng chí, đồng bào chúng ta để đất nước mình có được ngày hôm nay.

Và ông chia sẻ về điều còn trăn trở, day dứt nhất: Hơn nửa thế kỷ qua, tôi luôn hết lòng, hết sức - kể cả bằng máu xương, tính mạng của mình - để phấn đấu hoàn thành chức trách nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chỉ tiếc là trong khả năng có hạn, tôi đã không làm được nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa cho dân, cho nước.

Những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chỉ ra có phần trách nhiệm của tôi trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm chính trị trên cương vị người đứng đầu Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Đây cũng chính là những trăn trở, day dứt nhất của tôi.

Cả điều ông gửi gắm tới người kế nhiệm: Tôi chỉ có một mong muốn là Đảng, Nhà nước ta thật sự vững mạnh, đoàn kết, trong sáng, gắn bó máu thịt với nhân dân; đổi mới mạnh mẽ, vượt qua những nhận thức, phương thức không còn phù hợp, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc; giữ vững hòa bình và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo quốc gia; bảo đảm dân chủ, tự do, pháp quyền; thực hiện nhất quán, hiệu quả mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển nhanh - bền vững, hội nhập thành công và tiến cùng thời đại. Làm được những điều này là hồng phúc của đất nước ta, dân tộc ta. Tôi đặt niềm tin vào những người kế nhiệm.

Không phải chỉ đến chiều qua khi Quốc hội chính thức miễn nhiệm ông, mọi người mới nói chuyện về ông. Râm ran trên mạng cả tháng nay, ngoài đường, trong phố, thậm chí cả trong câu chuyện của những người đi chợ, người tán chuyện vỉa hè cũng đã nhắc đến ông. Có người hay tin ông xin rút khỏi nhiệm kỳ mới lại thấy "hợp lòng", nhưng cũng không ít người bày tỏ sự tiếc nuối, pha lẫn thảng thốt khi nghĩ tới việc không còn nhìn thấy hình ảnh vị Thủ tướng Chính phủ quen thuộc trên cương vị điều hành các cuộc họp, hay hình ảnh ngẩng cao đầu diễn thuyết với phong thái đĩnh đặc trên chính trường quốc tế mỗi khi đại diện đất nước tham gia các hoạt động chính trị ngoại giao .

Rồi thậm chí có dư luận rằng ông đã "đuối sức" nhưng những gì ông chia sẻ “tôi thanh thản”, “tôi cảm thấy hạnh phúc” bên hành lang Quốc hội đã khiến nhiều đại biểu thêm niềm tin yêu với ông, có đại biểu còn xin chữ ký và dành nhiều lời khen tặng cho ông. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, chẳng phải là quá hạnh phúc khi rời chính trường ông còn được nhiều người khen tặng và đón nhận ư?

Dấu ấn người “trở về”

Thoáng phút trầm tư trước giờ bước vào phòng họp của ông Nguyễn Tấn Dũng

Và cho dù lòng ông có tâm tư hay không ông hiểu rõ, nhưng những gì ông thể hiện đã một lần nữa khiến nhiều người thấy yên lòng và nể trọng ông hơn. Giống như khi ông xin rút không tham gia nhiệm kỳ mới đã được nhiều người đánh giá là tự trọng, là “sự hi sinh”.

Còn theo chúng tôi, trong giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ và đặc biệt hơn lần chuyển giao nhiệm kỳ này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng thời đang chứng kiến cuộc chuyển giao lịch sử giữa thế hệ nhân sự lãnh đạo mới, các vị trí nhân sự chủ chốt và lãnh đạo cấp ủy là những người trẻ, trình độ bản lĩnh và sẵn sàng hành động nhằm đáp ứng đòi hỏi, nhu cầu phát triển của thực tiễn. Đất nước hơn lúc nào hết đang trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt. Tình hình kinh tế-xã hội gặp nhiều thách thức khi bội chi ngân sách và nợ công tiếp tục tăng cao; nhiều vấn đề nóng bỏng về quốc kế dân sinh, từ chính sách quản lý sử dụng đất rừng, đất lúa, hàng giả hàng nhái, thực phẩm độc hại, đến tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng bất chấp kỷ cương pháp luật; trong khi đó tham nhũng, lãng phí trầm trọng, cấp bách như giặc "nội xâm"; vấn đề chủ quyền đất nước đáng lo hơn bao giờ hết khi ngoài Biển Đông đang dậy sóng… Thế để thấy rằng, trọng trách của nhiệm kỳ mới, của thế hệ nhân sự mới thật nặng gánh biết bao!

Thế nên, người kết thúc nhiệm kỳ như ông hay người tiếp tục nhiệm kỳ mới đều có thể coi là sự hi sinh cả. Chỉ có điều làm sao để những người đã không còn hoạt động trong bộ máy vẫn tiếp tục cống hiến sức mình ở mọi nơi, mọi lúc trong môi trường mới, tiếp tục hợp tác để cùng với những người kế tục nỗ lực chèo lái con thuyền đất nước qua cơn nguy khó, tránh tụt hậu phát triển ngày càng tiến lên ngang bằng các nước khác. Có lẽ, đấy mới thực là điều hạnh phúc và thanh thản mà một người lãnh đạo khi hết nhiệm kỳ "trở về" với đời thường.

Thu Vân