Văn hóa - giải trí

Nghệ nhân A Hninh luôn nặng lòng với nghề đan lát truyền thống

Văn Hà 14/07/2023 - 22:41

Tuy tuổi đã cao, mắt đã không còn sáng nữa nhưng nghệ nhân A Hninh (80 tuổi) vẫn luôn miệt mài giữ nghề đan lát truyền thống của người Ba Na. Bằng niềm đam mê và nhiệt huyết của mình, ông đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, lưu giữ giá trị văn hóa, không để nghề bị mai một.

Vào những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về thôn Đăk Puih, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) để tìm gặp vợ chồng nghệ nhân A Hninh và Y Gơih (dân tộc Ba Na), tận mắt chứng kiến nghệ nhân dùng mây, tre nứa, đan thành những chiếc gùi, chiếc nia, giỏ xách... độc đáo, mang đậm sản phẩm văn hóa của người Ba Na.

Gặp chúng tôi, vợ chồng ông A Hninh vui vẻ tiếp đón. Trong căn nhà sàn xập xệ dần theo thời gian, nghệ nhân A Hninh giãi bày, ở làng này, gia đình ông là người giữ nghề và làm nghề lâu nhất tại làng. Dù trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nhưng ông bà vẫn quyết tâm giữ nghề đến cùng.

anh-1(3).jpg
Nghệ nhân A Hninh nặng lòng với nghề đan lát truyền thống của người Ba Na.

Dắt chúng tôi thăm gian bếp, vừa đi ông Hninh vừa vui vẻ trò chuyện, trước kia ông được học nghề đan lát từ cha mình. Khi cha còn sống, ông đã thường xuyên theo cha vào rừng để chọn những cây nứa, lồ ô đẹp, chắc, chuẩn bị nguyên vật liệu và mang về nhà thực hành đan lát, học nghề cha truyền. Học và thực hành, dần dần những động tác đan dệt của ông được thành thạo, trở nên nhuần nhuyễn hơn.

Theo nghệ nhân Hninh, đối với nghề đan lát này, việc khó nhất là chuẩn bị nguyên liệu, nó quyết định độ bền của sản phẩm và từ đó cũng tạo được uy tín với các sản phẩm của mình. Các loại lồ ô, nứa được chọn làm nguyên liệu không được quá già và quá non để tránh việc các nan tre bị gãy hoặc bị co rút lại sau khi hoàn thiện sản phẩm. Khi thực hành đan, đòi hỏi người nghệ nhân phải đặt hết tâm huyết vào sản phẩm, khéo léo và có tư duy sáng tạo thì mới mong ra được một sản phẩm chất lượng và có độ bền cao.

Nứa, mây, tre làm nguồn nguyên liệu chính để đan lát. Khi chọn nguyên liệu xong ta về sẽ tiến hành chẻ nan phù hợp, đảm bảo độ cứng, dẻo khác nhau tùy vào sản phẩm như thúng, nia, gùi, sọt đựng lúa, thóc... Trước khi đan, các nan tre thường được ngâm nước để tăng độ dẻo. Sản phẩm sau khi làm xong phải bảo quản đúng cách, gác bếp để hun khói và tránh mối, mọt làm hư hỏng.

“Trung bình 2-3 ngày là tôi hoàn thiện xong một sản phẩm hoàn chỉnh thông thường. Đối với các loại gùi, nia, thúng loại lớn thì phải mất đến cả tuần lễ mới làm xong. Những sản phẩm nia, thúng nhỏ sau khi hoàn thành thì được bán với giá 180 – 200 nghìn đồng/chiếc. Các dụng cụ lớn hơn sẽ có giá giao động từ 300 – 500 nghìn đồng/chiếc. Tiền bán từ những vật dụng ấy tuy không nhiều nhưng cũng giúp gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, ông Hninh nói.

anh-2.jpg
Những sản phẩm vợ chồng ông A Hninh tạo ra đều chứa đựng nhiều tâm huyết, góp phần lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Tận mắt chứng kiến ông A Hninh miệt mài vót, chuốt từng sợi nan… từng chi tiết của sản phẩm dần dần hoàn thiện dưới đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo của ông. Tuy các sản phẩm ông làm ra không quá cầu kỳ với các họa tiết phức tạp nhưng khi sử dụng thì rất chắc chắn. Từng bộ phận trên các sản phẩm được ông đan khá dày, các nan tre cứng và đều tăm tắp.

Trao đổi với phóng viên, nghệ nhân A Kyunh - Người có thời gian dài gắn bó với ông A Hninh trong các hoạt động văn hóa tại địa phương cho biết, nghệ nhân A Hninh là người sống rất gương mẫu, luôn làm gương cho lớp trẻ và cũng là gia đình văn hóa tiêu biểu tại thôn.

“Qua nhiều năm tháng thăng trầm với nghề đan lát truyền thống, vợ chồng nghệ nhân A Hninh vẫn thầm lặng góp phần vào việc bảo tồn các nghề truyền thống tại địa phương. Ông A Hninh đã từng đứng nhiều lớp để dạy đan lát cho lớp trẻ trong làng mỗi dịp địa phương tổ chức. Ngoài ra ông còn tham gia vào đội chiêng của làng, tích cực đóng góp xây dựng trong các hoạt động văn hóa, lễ hội tại địa phương”, ông Akyunh nhận xét.

Văn Hà