Những chiêu trò của tội phạm buôn người
Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những câu chuyện về một số nạn nhân bị bán qua bên kia biên giới để làm vợ hoặc vào động mại dâm vẫn được tuyên truyền, nhất là phụ nữ ở khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng vẫn còn nhiều thiếu nữ người dân tộc thiểu số chỉ vì nhẹ dạ cả tin để rồi sập bẫy của bọn buôn người.
Lừa bán cả trẻ sơ sinh
Trong những năm qua, tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức như: Tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi…
Nạn nhân của các vụ mua bán người thường bị bắt làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, đẻ thuê… Nếu như trước kia, nạn nhân thường chỉ là phụ nữ và trẻ em, nhưng những năm đây, đối tượng của loại tội phạm mua bán người hướng tới còn có cả nam giới và trẻ sơ sinh.
Qua quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm buôn người của các lực lượng chức năng trong thời gian vừa qua cho thấy, các đối tượng ở hầu hết các độ tuổi, thế nhưng số đối tượng có độ tuổi trên 30 tuổi chiếm đa số. Và những đối tượng này cũng thuộc nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau.
Điều đáng nói là phần lớn các đối tượng đều có kiến thức, am hiểu xã hội và thường là người thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đồng thời am hiểu phong tục, tập quán của người dân… Một số đối tượng còn hoạt động theo băng nhóm, trong đó tụ tập rất nhiều kẻ có tiền án, tiền sự.
Thậm chí có nhiều người đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về Việt Nam thăm thân lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc. Đặc biệt có kẻ còn lừa bán cả người thân trong gia đình.
Lợi dụng đặc điểm khó khăn kinh tế, thiếu việc làm ở nhiều địa phương, chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân…, các đối tượng mua bán người hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức.
Nhiều đối tượng còn lập hội, nhóm “Cho nhận con nuôi”, “Hỗ trợ phụ nữ mang thai” trên mạng xã hội với mục đích mua bán trẻ sơ sinh. Thủ đoạn của chúng là tuyển mộ, lừa gạt phụ nữ có thai ngoài ý muốn hoặc có thai nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để đưa sang Trung Quốc sinh, sau đó bán trẻ sơ sinh với vỏ bọc cho - nhận con nuôi (trẻ em là nam sẽ được 80-90 triệu đồng, trẻ em nữ sẽ được 50-60 triệu đồng). Trường hợp chưa kịp xuất cảnh mà sản phụ đã sinh con thì chúng đưa trẻ sơ sinh sang Trung Quốc bán.
Vào ngày 12/6/2023 vừa qua, TAND TP.Hà Nội đã đưa Phạm Thị Thu Uyên (26 tuổi, trú tại Lào Cai), Đỗ Thị Như Trang (30 tuổi, trú tại Hà Nội), Lê Diên Dũng (30 tuổi, trú tại Bắc Kạn) và Nguyễn Phương Thảo (22 tuổi, trú tại Nghệ An) ra xét xử về tội Mua bán người dưới 16 tuổi và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo hồ sơ vụ án, Uyên, Dũng và Trang vốn không có nghề nghiệp ổn định. Nhóm này thường xuyên tham gia “Hội cho và nhận con nuôi 3 miền” trên Facebook, nhằm tìm kiếm, liên hệ với những người không có khả năng nuôi con để xin con của họ rồi bán kiếm tiền.
Giúp sức cho 3 đối tượng trên còn có Thảo, là người giúp việc của gia đình Trang. Điều đáng nói là thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Thảo đang là sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
Tính từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, Uyên và Dũng đã thực hiện hành vi mua bán 2 trẻ em để hưởng lợi 29,5 triệu đồng. Tương tự, Trang thực hiện hành vi mua bán 2 trẻ để hưởng lợi 45 triệu đồng. Ngoài ra, Trang còn làm giả các giấy tờ như giấy ủy quyền nuôi dưỡng trẻ, giấy giao nhận tiền tình nguyện…
Điển hình là vào tháng 12/2021, chị U (30 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) đang mang thai, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con nên người mẹ này muốn mang con cho người khác làm con nuôi. Sau đó chị có đăng lên nhóm Facebook “Hội cho và nhận con nuôi 3 miền” với mục đích xem có gia đình nào đang hiếm muộn, thành tâm muốn xin con để nuôi.
Khi thấy chị U đăng tin, Uyên chủ động liên lạc để xin con và được chị U đồng ý. Ít ngày sau, chị U thấy có dấu hiệu chuyển dạ nên đã nhắn tin cho Uyên biết. Uyên liền cùng bạn trai đến nhận em bé và đưa cho chị U 5 triệu đồng gọi là “tiền bồi dưỡng”.
Sau đó, Uyên đem bán cháu bé cho Trang với giá 25 triệu đồng. Trang lại tiếp tục bán cháu bé cho một người tên T với giá 60 triệu đồng.
Trước tòa, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Đỗ Thị Như Trang 16 năm tù; Phạm Thị Thu Uyên 13 năm tù; Lê Diên Dũng 10 năm 6 tháng tù và Nguyễn Phương Thảo 3 năm tù.
Giả vờ yêu đương rồi lừa bán
Theo một số chuyên gia trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn người thì các đối tượng giờ càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng dùng đủ mọi chiêu trò để lừa “con mồi” vào bẫy. Thậm chí chúng còn giả vờ yêu đương rồi lừa bán nạn nhân.
Đến giờ, tuy đã được trở về đoàn tụ với gia đình, song mỗi lần nhớ lại những tháng ngày tủi nhục nơi đất khách, Lữ Thị T (SN 1987, trú xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) vẫn không khỏi bàng hoàng, hoảng hốt. Tất cả chỉ vì T đã trót đặt trái tim nhầm chỗ.
Bi kịch của T bắt đầu vào khoảng đầu năm 2014. Khi đó, qua một vài người bạn, T có quen một thanh niên tên Xúc (trú tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Sau một thời gian tìm hiểu và yêu đường, T được người yêu mời lên nhà ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn chơi. Từ lời tỉ tê của người yêu, cô đã đồng ý ở lại với Xúc.
Đến giữa năm 2014, trong một lần ngồi tỉ tê, Xúc bảo T do ở quê khó khăn lại có người quen là anh Dung nói về việc tìm người đưa sang Trung Quốc và xin việc làm cho. Nghe thế T liền đồng ý mà không hay biết đó chính là cái bẫy do người yêu mình giăng ra hòng cùng đồng bọn lập mưu để đưa cô sang đó gả bán.
Ngay sau khi T đồng ý, Xúc lập tức đưa cô sang gặp Dung và được Dung liên hệ với người phụ nữ tên Niệm đưa cô bắt xe về xuôi rồi vượt biên trốn sang Trung Quốc.
Những tưởng sau nhiều ngày lặn lội vất vả mới đặt chân được đến đất nước xa lạ, cô có thể kiếm được việc làm để có tiền gửi về cho gia đình. Nào ngờ chỉ 2 ngày sau, có 1 người đàn ông Trung Quốc đến xem mặt và đưa cho Niệm một số tiền và dẫn T về nhà. Lúc đó T mới vỡ lẽ là mình đã bị người yêu lừa bán.
Suốt hơn 6 năm ròng trở thành vợ của người đàn ông nơi đất khách quê người, cuối cùng cô cũng đã trốn được trở về quê. Đau xót hơn, khi trở về nhà, T mới được biết thời gian đó, cả gia đình lâu không thấy cô trở về nhà, tưởng cô mất tích nên đã chia nhau đi tìm. Sau nhiều ngày hỏi thăm, họ mới tìm được nhà Xúc – “người yêu” của cô. Tại đây, họ mới biết cô đã sang Trung Quốc lấy chồng.
Do lo sợ bị người nhà T kiện cáo, các đối tượng lừa bán T đã bàn nhau đưa cho gia đình cô số tiền là 50 triệu đồng. Quá uất ức, T đã làm đơn tố cáo chính kẻ đã lừa bán mình.
Sau khi nhận được đơn tố cáo, xác định vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng ngoài địa bàn huyện trong đường dây mua bán người xuyên quốc gia, lãnh đạo Công an huyện Tương Dương đã họp bàn và quyết định xác lập Chuyên án để tập trung lực lượng, phương tiện để nhanh chóng điều tra, truy bắt các đối tượng trong đường dây này.
Sau một thời gian vào cuộc, Ban chuyên án đã điều tra, làm rõ và bắt giữ 2 đối tượng chính trong đường dây là Lữ Văn Dung (SN 1983) và Cụt Văn Xúc (SN 1991) cùng trú tại bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Khi bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử, cả Xúc và Dung đều cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Xúc còn khai rằng, do khoảng thời gian đó hắn cần tiền, lại vốn cũng không hề thật lòng có tình cảm với T, nên mới cấu kết với đồng phạm bán “người yêu” sang Trung Quốc.
Sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Cụt Văn Xúc 7 năm tù, Lữ Văn Dung 4 năm tù; buộc Xúc phải bồi thường cho bị hại 60 triệu đồng...
Có thể nói, những vụ án nói trên là bài học và lời cảnh tỉnh cho nhiều người, nhất là những thiếu nữ dân tộc ở vùng sâu vùng xa cần tỉnh táo để tránh sa vào cái “bẫy” của bọn buôn người. Và để giảm thiểu các vụ án đau lòng, ngoài việc kiên quyết đấu tranh thì công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi nó góp phần nâng cao hiểu biết và sự cảnh giác cho mỗi người dân.