Du lịch Việt Nam 2015: Sẽ có thêm nhiều điểm sáng

Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 09/01/2015

Năm 2014, du lịch Việt Nam gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong khó khăn, ngành du lịch vẫn có những điểm sáng với những kết quả khả quan, tạo đà cho sự phát triển của năm 2015.

Nỗ lực vượt khó

Nhìn nhận về du lịch năm 2014, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch cho biết: Năm 2014 là một năm đầy thử thách và nhiều cảm xúc với những người làm du lịch Việt Nam. Chúng ta có 5 tháng đầu năm phát triển một cách bứt phá, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt 35%. Nhưng sau đó, do Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nên ngành Du lịch đã bị ảnh hưởng khá lớn. Cụ thể, du lịch Việt Nam đã bị giảm sút rất mạnh với thị trường khách nói tiếng Hoa, trong đó có Trung Quốc là thị trường trọng điểm, chiếm 25% tổng số khách du lịch đến Việt Nam (năm 2013).

Hiệu ứng từ sự kiện này còn ảnh hưởng tới tăng trưởng của một số thị trường khác khiến chúng ta đã mất 1,5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2014. Trong đó riêng khách Trung Quốc là 1 triệu và khách nói tiếng Hoa (Đài Loan, Macao, Hong Kong) gần 500.000 khách. Sau đó lại xảy ra dịch bệnh Ebola làm khách du lịch trên toàn cầu e ngại đi du lịch. Cùng với đó là những khó khăn về kinh tế-xã hội chưa được phục hồi như mong muốn. Chúng ta cũng đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Nga. Nhưng bất ổn xung đột tại Ukraine với những lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây đã gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế Nga.

Năm 2014 cũng là năm xảy ra nhiều điểm nóng về mất an toàn cho du khách. Liên tiếp xảy ra những sự việc cướp giật, lừa đảo, bán hàng chộp giật,… đã gây tác động tiêu cực tới hình ảnh du lịch Việt Nam. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, rất nhạy cảm, nên chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đầu tiên bởi những biến cố này. Bất kỳ một bất ổn về chính trị-xã hội, xung đột chính trị, sắc tộc, bệnh dịch nào trên thế giới cũng đều ảnh hưởng tới du lịch.

Du lịch Việt Nam 2015: Sẽ có thêm nhiều điểm sáng

Năm 2015, du lịch Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt 8,5 triệu lượt khách quốc tế

 Tuy nhiên, theo ông Tuấn, từ những khó khăn, ngành du lịch Việt Nam cũng hiểu rõ một điều, đó là cần phải đa dạng hóa thị trường, không nên quá tập trung vào một thị trường, dù thị trường đó có lớn đến mấy. Trước sự suy giảm nghiêm trọng của thị trường khách nói tiếng Hoa, ngành du lịch đã rất nỗ lực để chuyển hướng thị trường, hướng đến những thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính sự chuyển hướng kịp thời này đã giúp ngành du lịch lấy lại đà tăng trưởng những tháng cuối năm.

Chưa bao giờ chủ trương đa dạng hóa thị trường lại được tập trung mạnh mẽ về mọi mặt như hiện nay, cả trong việc xây dựng chiến lược phát triển thị trường, định hướng công tác marketing, đến xúc tiến quảng bá… Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Bộ VHTT&DL, sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan… ngành du lịch đã vượt qua khó khăn, duy trì được sự tăng trưởng trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức.

Năm 2014, ngành Du lịch Việt Nam đã đón được 7,87 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 38,5 triệu lượt khách nội địa (tăng tương ứng 4,0% và 10% so với năm 2013). Tổng thu từ khách du lịch đạt 230 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013). Tốc độ tăng trưởng về tổng thu từ khách du lịch cao hơn tốc độ tăng trưởng về lượng khách cho thấy, vấn đề chất lượng đã được chú trọng và cải thiện một bước.

Mặc dù khách trên toàn thế giới bị suy giảm (châu Âu suy giảm 40-50%, Thái Lan suy giảm 30%), nhưng lượng khách Nga đến Việt Nam ở thời điểm này vẫn tăng 25%. Dự báo, sẽ đạt khoảng 400.000 khách so với 300.000 khách Nga của năm 2013. Đó vẫn là một kỳ tích.

Triển khai nhiều giải pháp

Cũng theo ông Tuấn, kết quả, thành tựu của toàn ngành du lịch được thể hiện thông qua rất nhiều chương trình, hoạt động được triển khai, đồng bộ, hiệu quả, bao gồm: Chủ động, tích cực triển khai các giải pháp kịp thời ứng phó diễn biến phức tạp do Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ảnh hưởng tới luồng khách từ các thị trường nói tiếng Trung; mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, đồng thời đẩy các hoạt động kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam”.

Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới được ban hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng và bước chuyển biến đột phá trong phát triển du lịch, góp phần hình thành liên kết các ngành, các cấp, huy động các nguồn lực xã hội, tháo gỡ khó khăn cho du lịch phát triển.

Công tác triển khai Chiến lược, quy hoạch du lịch tiếp tục được hoàn thiện, hình thành định hướng phát triển cho 7 vùng du lịch cả nước; qui hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ, quy hoạch tổng thể 2 khu du lịch quốc gia đầu tiên (Mộc Châu-Sơn La, Núi Bà Đen-Tây Ninh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2014 cũng là năm chúng ta có nhiều công ty lữ hành, khu nghỉ dưỡng, điểm đến du lịch của Việt Nam cũng được các tổ chức, báo chí quốc tế và khu vực ASEAN bình chọn, trao tặng các danh hiệu uy tín: Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn Việt Nam xếp vị trí thứ 3 trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2014; InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Đà Nẵng đạt giải thưởng World Travel Awards với danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới”, Vietravel đạt 2 danh hiệu “Vietnam's Leading Tour Operator”,“Vietnam's Leading Travel Agency”…

Đặc biệt, môi trường du lịch ở nhiều địa phương được cải thiện rõ rệt sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch. Đây chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu năm 2015 đạt khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 41 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 270 nghìn tỷ đồng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ giúp du lịch Việt Nam có thêm nhiều điểm sáng trong năm 2015.

Thanh Loan